Chàng trai dân tộc Tày "vác tù và hàng tổng"

Tốt nghiệp ĐH Sư phạm Thái Nguyên, chàng trai dân tộc Tày Lường Đình Hùng (SN 1989) quyết định trở về quê làm việc. Cuối năm 2016, anh được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn xã Như Cố (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn). Cũng từ đây, anh được mọi người gọi là người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.

Tiếp sức trẻ em nghèo đến trường

Anh Hùng kể, trước đây, người dân khu dân cư Khuổi Hẩu (thôn Nà Chào, xã Như Cố) chỉ có một cây cầu tạm để đi lại, kết nối với các khu dân cư khác. Cứ mỗi mùa mưa đến, cây cầu bị lũ cuốn trôi, khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

“Chúng tôi xin được từ Đoàn Thanh niên ĐHQG Hà Nội 30 triệu đồng để làm cầu. Trong quá trình xây dựng, đơn vị hỗ trợ thấy việc làm của chúng tôi thiết thực quá, họ tự nguyện tài trợ thêm 15 triệu đồng để làm cây cầu hoàn toàn bằng sắt thép để chống chọi với mưa lũ”, anh Hùng nói và cho biết, hơn 2 năm trôi qua, cây cầu vẫn vững chãi trong mùa mưa lũ phục vụ người dân đi lại an toàn.

Chàng trai dân tộc Tày vác tù và hàng tổng - 1

Lường Đình Hùng bên vườn cây của một thành viên HTX. (ảnh: NVCC)

Anh Lường Đình Hùng đặc biệt dành sự quan tâm tới các em thiếu nhi. Với mô hình “Hũ gạo tình thương”, cứ mỗi dịp Tết Nguyên đán, đích thân anh đến gõ cửa từng nhà dân xin một bơ gạo ủng hộ học sinh nghèo ăn tết ấm.

“Hầu hết các gia đình đều có sự đồng cảm, thường cho nhiều hơn một bơ gạo, có thời điểm tôi xin được mấy tạ gạo. Có người còn cho tiền nhưng tôi chỉ xin gạo, với mong muốn người dân đóng góp vật chất, trao tặng trực tiếp cho các em ý nghĩa hơn”, anh Hùng chia sẻ.

Đặc biệt, anh còn xây dựng Quỹ vì trẻ em của xã, nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Hằng năm, anh đại diện cho quỹ trực tiếp đi đóng học phí, mua sách vở, đồ dùng học tập, quần áo,… cho các em học sinh.

“Tôi làm việc trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng nhà trường và cả các nhà tài trợ thống nhất phương án đỡ đầu. Tất cả các khoản chi tiêu cho các em đều có hóa đơn, chứng từ, người làm chứng rõ ràng, minh bạch”, anh Hùng nói và cho biết, suốt 3 năm qua Quỹ đã đồng hành, tiếp sức cho học sinh Như Cố không phải bỏ học vì nhà nghèo.

Chỉ tính riêng trong năm 2017, anh Hùng đã vận động được hơn 300 triệu đồng. Với số tiền này, anh dùng xây dựng cầu dân sinh, xây dựng 65 điểm xử lý rác thải mini, 22 bể thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật, sân thể thao, sân chơi cho trẻ em,…

“Tôi được kết nạp Đảng tại trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên. Đó là cột mốc ghi dấu sự trưởng thành vượt bậc của bản thân. Những việc tôi đã, đang và sẽ làm chỉ mong các em thiếu nhi, những người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn”. Lường Đình Hùng, Bí thư Đoàn xã Như Cố (Chợ Mới, Bắc Kạn)

Giúp thanh niên nông thôn làm giàu

Lường Đình Hùng còn được biết đến là gương thanh niên nông thôn khởi nghiệp xuất sắc. Năm 2017, anh đứng ra thành lập HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố, tập hợp các mô hình sản xuất trong xã phát triển một cách chuyên nghiệp, tạo nên thương hiệu cho sản phẩm nông sản.

Ngay từ những ngày đầu thành lập HTX, anh đã kiên định phát triển theo hướng hữu cơ, nói “không” với hóa chất.

Hùng và các thành viên trong HTX nghiên cứu thiết kế logo, dán nhãn mác cho sản phẩm; đồng thời xây dựng dần các thương hiệu cho các sản phẩm: Rau, củ, quả, chè sạch Như Cố, trà mướp đắng rừng, bún khô, mật ong hoa rừng, rượu men lá Khuổi Chù.

Từ ngày có HTX Như Cố, nhiều nông sản quê hương đã vươn ra thị trường ngoài tỉnh, trong đó chè sạch Như Cố đã được bán tại 20 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hiện 15 thành viên HTX có mức thu nhập trung bình từ 3-15 triệu đồng/tháng.

Theo Lưu Trinh

Tiền phong