Chàng trai đan len

Nhắc đến “đan len”, ai cũng nghĩ đến công việc khéo léo, gắn liền với phái nữ. Thế những, từ cuộn len và cây kim, một anh chàng đã tạo ra thú nhồi bông, bình hoa đầy màu sắc … Đó là Đỗ Hoàng Quang (cựu sinh viên trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM).

Bắt đầu từ một chuyến đi

 

Quang thi vào trường ĐH Y Dược TP.HCM nhưng không đủ điểm để xét nguyện vọng 1. Nhận bảng điểm, cậu mạnh dạn chọn vào chuyên ngành Kỹ thuật Nữ công của trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM.

 

Quang chia sẻ: “Ngày nhập học, mình thật bỡ ngỡ vì lớp chỉ có 2 bạn nam. Lúc đó, bạn bè ai cũng cười, hỏi sao con trai mà lại chọn học cái ngành nữ tính!”.

 

Ngành học có rất nhiều môn thuộc về Kỹ thuật Nữ công nhưng riêng về móc len sợi, trường lại không đào tạo. Quang kể: “Trong một dịp du lịch lên Đà Lạt, mình gặp một bà cụ bán những sản phẩm len sợi bên đường.

 

Thấy bà thoăn thoắt đan từng cuộn len và sợi nhanh chóng, làm ra khăn choàng, thú nhồi bông, mình rất thích. Khi trở lại thành phố, mình tự mua sách, tìm tòi nghiên cứu và bắt tay làm thử”.
 
Đỗ Hoàng Quang khởi nghiệp với nghề thủ công từ len sợi.
Đỗ Hoàng Quang khởi nghiệp với nghề thủ công từ len sợi.

 

Ban đầu, một mình lủi thủi trong phòng đan móc, thao tác của Quang không mềm mại. Sản phẩm đầu tiên hoàn thành là chiếc băngđô và nón rộng vành, Quang dành tặng cô bạn thân.

 

Kế tiếp, anh chàng làm ra nhiều sản phẩm khác, như: Giỏ xách, áo khoác, thú bông… và bắt đầu được sự đón nhận từ bạn bè, thầy cô và cả sự ủng hộ của gia đình.

 

Niềm vui từ những sản phẩm đầu tiên tiếp thêm động lực. Quang không còn e dè với con đường đang theo đuổi. Trong một buổi tối, đọc quyển sách Về hoa vạn thọ của nhà văn Lý Lan, Quang cảm xúc khi nhà văn kể trông thấy bông hoa vạn thọ nơi đất khách. Quang nói: “Ngay lập tức, mình nảy ra ý tưởng thiết kế và thực hiện những bông hoa như thế, đáp ứng nhu cầu của người Việt xa xứ”.

 

“Vũ điệu” của sợi và tay

 

Quang tìm tòi học thêm từ những quyển sách nước ngoài. Kỹ thuật móc hoa đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận. “Khi móc những bông hoa nhỏ, mình phải sử dụng những sợi chỉ rất nhỏ. Còn những cánh hoa, phải dùng kỹ thuật kẹp kẽm, cần nhiều thời gian để thể hiện đường nét chi tiết.

 

Từ tạo kiểu hoa vạn thọ, mình sáng tạo tiếp, làm ra hoa đồng tiền, hoa cúc, hoa sen… sao cho mọi người ngắm giống hoa thật”, Quang cho biết.

 

Có khách hàng, nguồn nguyên vật liệu tại chỗ giá rẻ nên Quang nghĩ đến việc kinh doanh. Vật dụng len sợi bày bán khá nhiều, tính cạnh tranh của mặt hàng này rất cao.

 

Để sản phẩm tiến xa, lúc đầu, Quang chào hàng ở các siêu thị, thông qua kênh bạn bè trong ngành may và thời trang, tận dụng các trang mạng xã hội để quảng bá thương hiệu. Từ đó, nhiều khách hàng nước ngoài biết đến và chủ động đặt hàng của Quang.

 

Quang luôn tìm tòi chất liệu mới cho các sản phẩm. Anh chàng không chỉ tạo ra những bình hoa nhiều màu sắc mà còn thiết kế nên những mẫu drap, gối ngủ trang trí hình hoa. Không những thế, Quang còn tư vấn về không gian sống, khi có người cần trang trí bằng những sản phẩm của cậu.

 

Quang còn mở lớp giảng dạy để sản phẩm hoa móc len được nhiều người biết đến. Bên cạnh đó, từ vốn kiến thức sẵn có của ngành học, Quang lên chương trình giảng dạy đa dạng, như làm sản phẩm da thủ công, tỉa rau củ quả, cắm hoa, kết hạt…

 

Khi khởi nghiệp với nghề đan móc len, Quang luôn tâm niệm: “Làm nghề thủ công luôn cần tỉ mỉ, kiên trì, thẩm mỹ, phá cách. Xem nó là một nghề rồi thì cần chú tâm làm tốt, đừng bao giờ thốt ra chữ “nản”.

 

Hãy cố gắng và kiên định mục tiêu, cánh cửa sẽ mở ra những cơ hội đẹp. Cơ hội của mình chính là những đóa hoa len đa dạng sắc màu, uyển chuyển qua đôi tay và đường cong của sợi”.

 

Theo Bình Nguyễn

Sinh viên Việt Nam