Cảnh giác một cách tỉnh táo

Hai tuần qua, cư dân mạng lan truyền nhiều câu chuyện xoay quanh chủ đề an toàn cho nữ sinh viên, xuất phát từ các câu chuyện mất tích có thật và cả những tin đồn không được kiểm chứng.

Trên các trang cá nhân, rất nhiều câu hỏi lo âu: “Xã hội đang loạn hay sao?”;“Phải chăng, nguy hiểm đang rình rập khắp nơi?”…Vấn đề đặt ra là những cảnh báo đáng tin đến đâu?

 

Từ nỗi lo có thật

 

Từ vụ mất tích của cô bé Ngô Ngọc Phút (Củ Chi) đến bạn sinh viên Nguyễn Thị Diễm My (năm cuối, trường CĐ Bách Việt) và bạn Lê Thị Hà Phương (năm cuối, trường ĐH Kinh tế TP. HCM), cư dân mạng tiếp tục lan truyền nhiều thông tin, khiến các bạn nữ sinh viên hết sức lo ngại.

 

Đó là câu chuyện được cho là của một nữ sinh viên đi thực tập, bị người đàn ông trạc tuổi 40 đi theo suốt từ đoạn đường Út Tịch ra đến đường Cộng Hòa (Q. Tân Bình, TP. HCM). Người này cứ áp sát, gạ gẫm, mời nữ sinh viên ghé vô quán cà phê để nói chuyện.

 

Cô bạn này kể lại trên trang cá nhân: “Khi ông ta cứ nói mà mình không trả lời, ông ta hét toáng lên: Mày có tin tao đưa mày vào khách sạn để lấy hết nội tạng của mày không?

 

Mình hoảng loạn lắm, tấp vô một cửa hàng gần đó và tri hô thì đối tượng đó bỏ chạy nhưng vẫn ngoái về sau để nhìn kỹ mặt mình. Lúc đó, mọi người xung quanh chạy lại hỏi chuyện. Có người nói, gần đây, trên đoạn đường này có khoảng 5 – 7 vụ như thế”.

 

Hình ảnh từ một câu chuyện cảnh giác chưa kiểm chứng được “share” nhiều trên Facebook.
Hình ảnh từ một câu chuyện cảnh giác chưa kiểm chứng được “share” nhiều trên Facebook.

 

Một câu chuyện khác xảy ra ở đường Phan Văn Trị (Q. Gò Vấp). Người bị hại kể trên Facebook rằng, cô bạn đi học về khuya thì bị hai thanh niên ép xe vào lề đường, dí dao, bắt quẹo xe vào hẻm vắng rồi thay nhau hãm hiếp.

 

Lại có chuyện, một cô bạn trên đường đến trường, thấy một đứa bé đứng khóc. Lại hỏi thăm thì đứa trẻ cho xem một địa chỉ và nhờ đưa đến đó. Thông điệp từ câu chuyện đưa ra: Hãy dẫn đứa bé đó đến trụ sở công an gần nhất chứ đừng dẫn đến địa chỉ đó vì đây là một chiêu dàn cảnh mới của bọn tội phạm.

 

 Gây hoang mang nhất là câu chuyện không được xác minh rõ ràng của cư dân mạng về nữ cướp Hương “mắt lồi” quay trở lại cướp bóc ở nhiều địa điểm trong thành phố. Thậm chí, nhiều cư dân mạng còn cung cấp hình ảnh của Hương “mắt lồi”, dù đó là một người… hoàn toàn khác!

 

Hãy tỉnh táo

 

Với những câu chuyện nữ sinh mất tích được xác thực, cộng đồng mạng có cái nhìn cảm thông và hết sức đau buồn, chia sẻ trước những kết cục không ai muốn. Bên cạnh đó, cũng có nhiều câu chuyện phi lôgíc gây hoang mang cũng được những cư dân mạng tỉnh táo chỉ ra.

 

Trong vlog của mình, nói về những tin đồn thất thiệt, bloger Dưa Leo (Nguyễn Phúc Gia Huy) phân tích: “Bắt cóc, lấy nội tạng nghe thì đáng sợ nhưng trong đó nhiều phần là xạo.

 

Ví dụ, nếu tin theo Facebook thì Hương “mắt lồi” trong một ngày phải xuất hiện cùng lúc nhiều nơi và làm hàng chục vụ ở cả Thủ Đức, Tân Bình, Tân Phú, quận 3, Bình Chánh, Bình Thạnh… Hương “mắt lồi không phải là Tôn Ngộ Không để có thể bứt lông phù phép để một đám “mắt lồi” xuất hiện, túa đi khắp thành phố ăn cướp…”.

 

Một cư dân mạng khác đang học ngành Y cũng chỉ rõ: “Chuyện bắt người lấy nội tạng đem bán là một câu chuyện quá ngây ngô, không đủ sức thuyết phục. Đó chỉ có thể là một lời dọa dẫm, không có khả năng xảy ra trong thực tế!”.

 

Để phân biệt các thông tin bắt cóc là thật hay giả, bạn hãy theo dõi ngọn nguồn bài chia sẻ. Nếu một “fanpage” đăng thông tin người thân bị bắt cóc, rồi đăng tiếp hình ảnh sản phẩm, ăn chơi… thì chắn chắn, đấy là thông tin “xạo” để “câu” sự chú ý.

 

Hiện nay, nhiều bạn sinh viên nữ rất hoang mang, lo lắng không dám đi làm thêm hay đi học thêm một mình, nhất là vào buổi tối. Facebooker N.A nhìn nhận: “Nhiều đối tượng lợi dụng sự sợ hãi này để thu lợi từ việc tăng “like”.

 

Cẩn thận và cảnh giác là tốt nhưng đừng thái quá. Chỉ cần các bạn tuân theo những quy tắc đề phòng, đảm bảo an toàn từ trước đến nay, như: Tránh đi đường vắng, không đi chơi đêm, có người đưa về khuya… là hạn chế được nguy hiểm”.

 

Người nhà của sinh viên mất tích Nguyễn Thị Diễm My cho biết, nhờ có Facebook mà người thân đã nhận được tin báo để tìm ra Diễm My sau 4 ngày mất tích. Vậy nên, rõ ràng là những thông tin lan truyền trên Facebook không thể bị xem nhẹ. Nhưng cư dân mạng cũng cần cẩn trọng những chiêu lợi dụng sự sợ hãi của đám đông để “nhát ma” và tư lợi.

 

Thực tế, những câu chuyện cảnh giác gần đây vẫn có tác dụng tích cực nhất định đến ý thức cảnh giác của sinh viên, nhất là các bạn nữ. Biết cẩn thận và có ý thức phòng tránhrủi ro vẫn hơn là bất cẩn, sơ hở với tài sản và tính mạng của chính mình.

 

Theo Xuân Huy

Sinh viên Việt Nam