Cảm thức giao thừa

(Dân trí) - Vẫn bánh chưng, vẫn hoa đào, vẫn hương trầm nồng nàn ngõ phố, vẫn rộn rã lời chúc lộc đầu năm... mà sao Tết bây giờ khác xa Tết ngày xưa quá. Cuộc sống ồn ào nơi đô thị mải miết cuốn tôi đi giữa những bận rộn, tiệc tùng.

Có lần, thảng thốt dừng chân trước hoa đào, tôi mới hay Tết đã về. Ngửa tay đợi những giọt mưa xuân chấm lạnh, mới hay từ lâu mình đã chẳng còn đợi Tết. Tại tôi không còn là trẻ con? Hay tại cuộc sống đô thành no đủ, bận rộn? Nên Tết đã chẳng còn về trong nỗi mong ngóng, thèm thuồng, háo hức tuổi ấu thơ.

 

Tôi bỗng thấy thèm một chút nhớ thương, rưng rưng trước phút chuyển giao của giời đất.

 

* * *

Tôi vẫn nhớ những năm ấu thơ nghèo khổ. Mẹ tôi là giáo viên của một trường tiểu học miền núi vùng trung du. Bố tôi là sĩ quan quân đội dạy học tại một trường lái xe mãi tận Tây Bắc. Bố đi biền biệt quanh năm, và luôn hẹn Tết sẽ về. Mẹ con tôi sống nhờ trong khu tập thể cũ nát của trường. Cuộc sống tằn tiện qua ngày. Lúc nào tôi cũng thấy đói, nhưng không dám khóc, vì mẹ bảo, Tết bố về sẽ mua thật nhiều quà cho chị em tôi. Bởi thế, tôi luôn ngóng Tết.

 

Những năm ấy, mùa đông luôn về cùng với mưa phùn, gió bấc, lạnh thấu xương. Nhưng, vụ gặt trước Tết khoảng hai tháng luôn là ngày hội của lũ trẻ trong xóm nghèo chúng tôi. Cánh đồng mùa gặt tưng bừng, rộn rã. Ruộng nào vừa gặt xong, lũ trẻ chúng tôi ùa xuống mót lúa. Mỗi đứa cầm trên tay một cái rá nhỏ, tranh nhau nhặt những bông lúa rơi vãi còn sót lại. Những thửa ruộng trồng lúa nếp thì... "đắt khách" khủng khiếp. Những đứa trẻ nghèo như tôi, nghèo hơn tôi, chỉ chăm chăm lao vào những thửa ruộng lúa nếp để cố gắng kiếm đủ một chiếc bánh chưng cho Tết.

Tết với trẻ con nhà nghèo là sự thèm thuồng, ao ước. Vừa mót lúa, vừa nghĩ đến nồi bánh chưng sôi sùng sục toả hương thơm ngào ngạt trong đêm giao thừa, chúng tôi đã nuốt nước bọt vì thèm, quên hết cả đói, cả rét. Có khi trên người chỉ độc một cái áo rách, cũng "xả thân" lao vào những gốc rạ để tìm kiếm những bông lúa sót. Tiếng cười đùa, tranh giành, la hét rộn ràng trên khắp những thửa ruộng.

Những ngày mùa, tôi thường đi từ sáng tới tối mới về, vì phải lùng sục khắp các cánh đồng làng trên, xóm dưới cùng lũ bạn. Chúng tôi chẳng đứa nào nghĩ đến chuyện học hành, chỉ nghĩ đến mót lúa dưới đồng, lên núi hái rau lợn, chặt củi và Tết.

Năm tôi bảy tuổi, vụ gặt ấy tôi kiếm được kha khá, nhờ có đứa em đứng hỗ trợ trên bờ ruộng. Nó cầm rá cho tôi rảnh tay xuống xông pha. Tôi nhớ năm ấy, thằng Tâm (con ông Tình) đã tức phát khóc vì những gì tôi kiếm được. Số lúa nếp chị em tôi mang về, mẹ mang đi xay sát, dự tính sẽ gói được đến ba cái bánh chưng. Chị em tôi đếm từng ngày đến Tết. Tết bố sẽ về và Tết sẽ có bánh chưng ăn.

Rồi Tết cũng về với mưa phùn, gió bấc và cái lạnh thấu xương. Hoa mận, hoa đào nở khắp rừng. Sáng sáng, tiếng người đi chợ huyện cười nói lao xao thôn xóm. Nhà bà Na mổ lợn, cả xóm bàn tán đến xin ăn "đụng". Mẹ tôi đã mua được chút thịt ba chỉ về gói bánh. Và bố tôi đã về.

 

Bố về mua cho chị em tôi một gói kẹo. Kẹo được gói trong giấy có hoa xanh đỏ hẳn hoi, lạ hơn nữa, bên ngoài còn bọc một lớp mỏng như nilon có thể ăn được. Khỏi phải nói, gói kẹo ấy kỳ diệu đối với chị em tôi tới mức nào. Mỗi ngày, mẹ cho chúng tôi một chiếc. Tôi không dám ăn, đút vào túi quần, mang đến nhà mấy đứa bạn trong xóm khoe. Đứa nào cũng đòi xem, và nuốt nước bọt ừng ực. Thằng Tâm còn hứa sẽ cho tôi một túi mộc nhĩ, nếu tôi cho nó cắn một miếng kẹo. Tôi đã băn khoăn suy nghĩ suốt một ngày. Cuối cùng, đã quyết định lấy túi mộc nhĩ.

Sáng ba mươi Tết, nhà tôi đặt nồi nấu bánh chưng để kịp vớt trước giao thừa. Ông bà ngoại gửi cho thêm một chút gạo nếp, đỗ xanh, nhà tôi có những năm cái bánh. Ngày ấy, nhà ai cũng cố gắng có một nồi bánh chưng dù to, dù nhỏ để bếp đỏ lửa vào đêm giao thừa. Chị em tôi chạy vòng quanh bếp, "Bố ơi, bao giờ bánh chín?", "Mẹ ơi, con nhận cái bánh to nhất"...

Đêm giao thừa ấm áp, thiêng liêng và huyền diệu kỳ lạ. Khắp xóm thơm nức mùi bánh, mùi hương trầm. Bọn trẻ con tụ tập để tranh cãi xem nồi bánh nhà ai to nhất. Tôi thấy cái Hoa (con cô Lành) cuối xóm, chỉ im lặng. Mắt nó mọng đỏ. Bố nó mới mất hồi đầu năm vì ho lao. Tôi gặng hỏi mãi, nó mới sụt sịt bảo: "Nhà em chẳng có cái bánh nào". Lúc ấy, chẳng hiểu vì lẽ gì, tôi bỗng thấy không vui, tôi nhìn nó khóc, bỗng nghĩ đến cái nồi có năm chiếc bánh của nhà mình. Nhưng, nếu cho thì cũng tiếc lắm...

Tôi chạy về nhà, thấy bố mẹ đã vớt bánh ra cái nong đặt giữa nhà, mẹ đang chọn chiếc bánh to nhất cho vào chiếc túi nilon. Tôi hỏi: "Mẹ cho bánh vào túi làm gì thế?". Mẹ nhìn tôi lúc lâu rồi nói: "Cô Lành mới sang vay tiền, bố mẹ không có tiền cho cô vay, nên bố mẹ định cho cô vay cái bánh chưng này, bao giờ có cô sẽ trả, con nhé". Tôi thấy mắt mình cay xè, tôi đi vào giường, cúi đầu. Bố mẹ đứng ở cửa, bối rối nhìn tôi, cứ toan đi rồi lại thôi. Mẹ lại nói: "Bao giờ có, cô sẽ trả, con ạ". Tôi nghe thấy tiếng mình vang lên: "Mẹ mang cho cái Hoa thêm mấy cái kẹo gói giấy xanh đỏ nữa". Và tôi thấy mẹ khóc.

***

Tết chỉ vui với trẻ con? Tết chỉ là niềm ao ước của những người nghèo? Tôi không biết nữa. Nhưng tôi thấy tiếc cho mình, khi chẳng còn gì để thèm thuồng, chẳng còn gì để mong ngóng, chẳng còn gì để rưng rưng trước phút giao thừa.

Tết năm trước, nghe mẹ tôi bảo, cái Hoa đã đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, và hình như thằng Tâm đã lấy vợ mất rồi... Sao bỗng thấy nhớ cái Tết ngày xưa đến thế, nhớ cả gió bấc, mưa phùn, và bỗng dưng nước mắt muốn trào ra.

 

Hiền Hương