Cảm hứng từ “Sosub”

Dự án “Sobsub – phụ đề cho xã hội” của Trần Minh Tuấn (sinh năm 1988, hiện đang làm việc tại TP. HCM) đoạt giải Ba cuộc thi “Ý tưởng một triệu đôla thay đổi thế giới” của tạp chí Forbes Việt Nam. Ý nghĩa lớn nhất của dự án mà anh mang lại giúp cho những người không thông thạo tiếng Anh có cơ hội tiếp cận với nguồn kiến thức của thế giới.

Ý tưởng “Phụ đề cho xã hội”

Cách đây 5 năm, Trần Minh Tuấn vừa tốt nghiệp trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM). Trong lúc rảnh rỗi, Tuấn tình nguyện dịch phụ đề các video của TED Talk ngay trên trang gốc của tổ chức này. Tuấn nhận thấy, hầu hết những người Việt truy cập TED.com đã có vốn tiếng Anh tốt nên chỉ cần bản phụ đề tiếng Anh để đối chiếu thuật ngữ. Nhận thấy bản phụ đề tiếng Việt chưa được sử dụng nhiều, Tuấn chia sẻ trực tiếp những video này về Việt Nam thông qua kênh YouTube cá nhân.

Tuấn kể: “Một trong những khó khăn trong quá trình dịch phụ đề là có những thuật ngữ không có trong tiếng Việt. Mình bắt buộc phải tham khảo ngôn ngữ khác, như tiếng Trung. Nhưng nếu mình dịch giữ nguyên phiên âm tiếng Trung thì không phù hợp với người Việt và phải chỉnh lại. Đôi khi, điều này khiến mọi người xảy ra tranh cãi. Hoặc những câu nói đùa của các diễn giả lại khiến mình tưởng thật. Mình phải hoàn thiện từ từ để tập cách dịch ngắn gọn, súc tích”.

Chia sẻ video của TED theo giấy phép “Creative Common”, Tuấn tuân thủ 3 điều: Không chỉnh sửa video gốc, ghi rõ nguồn và không dùng với mục đích thương mại. Nhưng khi những video này đạt được nhiều lượt xem, thậm chí, kênh YouTube của Tuấn đạt nút Bạc vì có 100.000 người theo dõi, TED đã yêu cầu Tuấn xóa hết hơn 850 video đã dịch.


Nhóm “Sosub” quảng bá dự án tại cuộc thi “Starup Wheel 2016”.

Nhóm “Sosub” quảng bá dự án tại cuộc thi “Starup Wheel 2016”.

Sau sự kiện này, Tuấn hơi hụt hẫng nhưng anh không bỏ cuộc. Anh chia sẻ: “Đây là một điều mình dự đoán trước rằng sẽ có ngày xảy ra, chỉ là hơi sớm hơn dự định. Sau một thời gian dài dịch video, mình tạo ra được một cộng đồng rất quan tâm đến các video truyền cảm hứng này. Mình biết nhu cầu xem video để trau dồi kiến thức là có thật và trở ngại của nhiều người xem là không hiểu tiếng Anh”.

Để giải quyết vấn đề này, Tuấn và nhóm của mình bắt tay vào xây dựng dự án “Sosub”, nhằm dịch và tổng hợp những video có nội dung giáo dục, từ nước ngoài. Những video này thay vì được đăng tải lại, được nhúng trực tiếp vào website của “Sosub” và hiển thị phụ đề tiếng Việt với mục đích phổ biến nguồn tài liệu học thuật nước ngoài một cách hợp pháp.

Không chỉ là TED Talk

“Sosub” là viết tắt của từ “social subtitles” (phụ đề xã hội). “Sosub” là nển tảng mà người Việt có thể học miễn phí, thông qua những kênh giáo dục miễn phí chất lượng cao nhất thế giới, với phụ đề song ngữ, không còn gặp rào cản ngôn ngữ. Với nội dung phong phú và trải rộng nhiều lĩnh vực, mọi người được học tiếng Anh, được tiếp thu tri thức, được “truyền lửa” từ những nhân vật hàng đầu thế giới.

Là một nền tảng mở, “Sosub” cho phép cộng đồng được tham gia và đóng góp tài nguyên. Tuấn nói: “Mình đồng ý với câu nói của anh Nguyễn Quang Thạch trong dự án “Sách hóa nông thôn”: “Không phải mình cứ đem cho sách về nông thôn, mà phải tạo điều kiện để chính những người đó đóng góp”.

Các thành viên trong nhóm của Tuấn đều là những tình nguyện viên, đảm nhận từ công việc truyền thông, dịch thuật, đến lập trình… Các tình nguyện viên này cũng chính là những người đã xem các video và mong muốn lan truyền giá trị của dự án.

Tuấn kế: “Nhóm của mình gồm 31 người, không chỉ là những người làm phụ đề, mà gồm kiến trúc sư, nghệ sĩ, kỹ sư… Nhóm công nghệ đảm nhận việc lập trình làm forum, ứng dụng di động, website. Nhóm truyền thông làm video, truyền thông, marketing. Nhóm nội dung dịch quản lý nội dung và đăng bài. Nhóm thực thi đảm nhận lĩnh vực về luật và quản lý”.

Mục tiêu trước mắt của Tuấn là hoàn thành website và ứng dụng điện thoại cho “Sosub”, cũng như hoàn thiện quy trình làm việc giữa các thành viên, tăng lượng người dùng và sức ảnh hưởng.

Còn mong muốn trong tương lai là làm sao cho “Sosub” có nhiều tài liệu giáo dục hơn, đa dạng các nguồn kiến thức từ sách, sách điện tử, tạp chí… và có nhiều ngôn ngữ để hỗ trợ các cộng đồng ở các nước đang phát triển khác, tối ưu hóa trải nghiệm học tập của người dùng.

Tuấn nói: “Đó là ước mơ của tụi mình. Tụi mình mong rằng, tất cả mọi người, bất kể giàu hay nghèo, đều sẽ có cơ hội được học bằng những tài liệu quý nhất, chất lượng cao nhất. Tất cả mọi người đều sẽ được tạo điều kiện để chia sẻ, để đóng góp và tạo nên thay đổi tích cực cho toàn xã hội từ những hành động nhỏ bé”.

Theo Thanh Huyền

Sinh viên Việt Nam