Các "tài năng hùng biện" nói gì về văn hóa đọc giới trẻ?

(Dân trí) - Chiều 2/3, chung kết cuộc thi hùng biện BNW 2014 dành cho học sinh, sinh viên Hà Nội đã diễn ra gay cấn, hấp dẫn với những phần tranh tài nảy lửa về chủ đề Văn hóa trẻ.

9 bạn trẻ xuất sắc đã thể hiện khả năng ở 3 chủ đề gần gũi và “nóng hổi” trong đời sống người trẻ: Văn hóa đọc, Giới trẻ và lỗ hổng lịch sử, văn hóa Vlog.

 

Sự tiếp cận văn hóa đọc của 3 thí sinh đã để lại nhiều suy ngẫm cho người nghe. Vương Linh khá thẳng thắn khi nói về thái độ của người đọc đối với báo mạng và “văn hóa”, ý thức chia sẻ những thông tin ấy trên Facebook.

 

Sự thiếu nhận định về tính xác thực của thông tin đã dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, ví dụ: những người bán hủ tiếu trong Sài Gòn khốn đốn thời gian dài vì bài báo đưa tin nguyên liệu món này là thịt chuột.

 

Cuối cùng, Linh kết lại bằng việc hướng người trẻ nên đặt 2 câu hỏi mỗi khi đọc bài báo, thông tin mạng: Liệu nó có cần thiết cho mình không? Nó đúng đến đâu?

 
4 gương mặt xuất sắc nhất cuộc thi.
4 gương mặt xuất sắc nhất cuộc thi.
 

Với lối nói mạch lạc, tư duy logic, Nguyễn Thành Đạt đã thể hiện cách nhìn với “Cuộc xâm lăng của truyện tiểu thuyết lãng mạn ngôn tình”.

 

Sau khi nêu lý do của cuộc xâm nhập như “vũ bão” của truyện ngôn tình vào Việt Nam, Đạt bày tỏ cái nhìn hai mặt từ dòng tiểu thuyết này: gần gũi, dễ tiếp nhận, đồng thời giúp nhiều tác giả trẻ Việt cũng tìm được mục tiêu, lý tưởng của mình để làm sách.

 

Mặt hại của truyện ngôn tình cũng được chỉ ra khá rõ: “Quá nhiều câu chuyện tình cảm phi thực tế, hồng hóa cuộc sống. Các bạn say trong ngôn tình, đắm chìm trong các câu chuyện về tình yêu qua email, game. Trong khi đó, cám dỗ cuộc đời khác với những con chữ trong sách...”

 

Dẫn ra dòng sách kinh điển, cùng các tác giả uy tín tại Việt Nam, Đạt chốt lại: “Người làm con dao không có lỗi, người bán con dao không có tội, quan trọng là người mua cầm dao hay cầm lưỡi, quyết định ở các bạn, những người trẻ”.

 
Thành Đạt với bài hùng biện thuyết phục người nghe về văn hóa đọc.
Thành Đạt với bài hùng biện thuyết phục người nghe về văn hóa đọc.
 

Trong vòng 1, gây ấn tượng hơn cả là phần thi của Lê Khánh Linh (trường ĐH Ngoại thương) bởi cách dẫn dắt gần gũi, xúc động, truyền cảm. Từ liên hệ nhỏ trong cách tìm kiếm câu trả lời cho mục đích đọc sách với người cha - “để thay đổi cuộc đời mình”, Linh đã mở rộng, nâng cấp vấn đề lớn lao, toàn diện hơn, thông qua hình ảnh tủ sách của người Do Thái.

 

“...Quan trọng không phải bạn đã đọc được bao nhiêu, mà bạn đã đọc được những gì, đọc như thế nào và đọc để làm gì. Có những người đã đọc tới 10 lần cuốn Những người khốn khổ nhưng vẫn ngoảnh mặt làm ngơ trước những em bé bơ vơ ngoài kia.

 

Có những người sẵn sàng bình phẩm, chê bai bài báo mạng nhưng chưa một lần nhìn lại chính bản thân mình. Có người có thể khóc sướt mướt vì cuốn tiểu thuyết ngôn tình đẫm lệ nhưng lại thờ ơ trước những yêu thương bình dị xung quanh. Thế nên, đừng để những cuốn sách nằm im lìm trên giá như một minh chứng câm lặng của lịch sử.

 

Sách, đôi khi có những cuốn bạn có giở đi, giở lại hàng trăm, hàng nghìn lần cũng không thể thay đổi được cái kết của nó. Nhưng, xin hãy cứ giở hàng trăm, hàng nghìn lần để có thể thay đổi được cái kết cho chính cuộc đời mình. Văn hóa đọc với tôi, là gấp cuốn sách lại và mở cuộc đời ra”.

 
Quán quân Nguyễn Thành Đạt nhận giải thưởng từ BTC.

Quán quân Nguyễn Thành Đạt nhận giải thưởng từ BTC.
 

Mặc dù vẫn còn thiếu sót trong 3 phần trình bày cuối của vòng 1, nhưng nhìn chung 3 thí sinh vẫn thể hiện cách nhìn mới mẻ đối với Vlog - trào lưu đang rất “hot” trong giới trẻ hiện nay.

 

Đặc biệt là phần trình bày của Nguyễn Hà Phi (Khoa Luật, trường ĐH Quốc gia Hà Nội) với luận điểm: “Vlog và sự nô dịch hóa tư duy của giới trẻ”: một bộ phận mắc phải lối mòn tư duy và họ tiếp nhận thông tin qua Vlog một cách dập khuôn, vô thức.

 

“Đặc tính của thông tin được đưa ra trong vlog: vô cùng dễ tiếp thu khi đề ra các nội dung cụ thể; ngôn ngữ thân thuộc, thậm chí có tiếng lóng; đề tài gần gũi như tiền bạc, tình yêu, thậm chí tình dục.

 

Thế nhưng dù có hay đi chăng nữa cũng phải nhìn nhận nó như một quan điểm cá nhân, đừng tiếp thu thụ động như kiến thức chuẩn, như cách tiếp cận duy nhất với vấn đề. Chúng ta cần có sự xem xét bản thân và xử lý thông tin đó”, Phi nói.

 

Liên hệ cụ thể với câu chuyện của Mạnh Tử về tin đồn “giết người”, bạn cho rằng nếu không tìm hiểu cặn kẽ thực tế nguồn thông tin, sẽ dẫn đến ngộ nhận. Vlog làm ra không tiêu cực nhưng cách người xem tiếp nhận đã mang một hậu quả tiêu cực.

 

Hai vòng thi sau mang tính chất tranh luận đối kháng đã khiến cho các bạn trẻ bộc lộ được kiến thức, kỹ năng của bản thân một cách rõ ràng.

 

Mặc dù ngang sức, ngang tài giữa hai chàng trai Thành Đạt và Hà Phi nhưng câu hỏi phụ được bất ngờ đưa ra vào giờ chót đã giúp cho cuộc thi tìm được quán quân xứng đáng: Nguyễn Thành Đạt (năm thứ ba, khoa Quốc tế, trường ĐH Quốc gia Hà Nội).

 

Hoàng Dung