Kon Tum:

Bí thư Đoàn hiến gần 1.000 m2 đất xây trường học

(Dân trí) - Mỗi năm, gần 1.000 m2 đất rẫy trồng mỳ có thể mang về cho A Dũng vài ba chục triệu đồng. Thế nhưng, khi nghe tin Nhà nước cấp kinh phí xây trường học cho con em tại làng, anh đã không ngần ngại mang sổ đỏ ra hiến đất xây trường…

Già làng Kon Rẳ, A Biuh hồ hởi nói: “A Dũng thật tốt bụng. Hiến đất xây trường hôm nay thì mai mốt trai làng mới có đứa học lên cao, giúp bà con xóa đói giảm nghèo. Hắn đi bộ đội về cái đầu nghĩ được xa lắm!”

Bao đời nay, làng Kon Rẳ (xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) nằm bên dòng Đăk Snghé với 100% đồng bào Sơ Drá chỉ quen sống với cái nương, cái rẫy, ít ai nghĩ tới chuyện học của con trẻ. Người già ở Kon Rẳ quan niệm: “Đói cái đầu chưa chết, đói cái bụng chết liền!” Do đó, hơn 30 năm sau khi đất nước được giải phóng, đến nay số con em của làng chưa có ai học lên đến cao đẳng, đại học, còn lớp 12 thì chỉ có đúng 4 em theo học. Già A Biuh phân trần, một phần cũng do không có trường, lũ thanh niên đi học xa nhà nên ngại.

Hôm chính quyền huyện, xã về thông báo chủ trương xây trường tại làng, kinh phí hơn 7,5 tỉ đồng đã có, vấn đề khó hiện nay là đất để xây trường. Cán bộ mời bà con tới nhà Rông hai đêm để vận động dân hiến đất. Không có cái tay nào giơ lên đồng ý hiến đất. Cả hai đêm đi họp về, A Dũng đều không ngủ được. Cán bộ nói, nếu không tìm được nơi xây trường tại làng, thì số tiền kia sẽ chuyển đến xã khác để làm trường. Nghĩ lại cái thời A Dũng đi bộ đội, giá như Dũng có “cái trình độ” thì bây giờ đã ở lại phục vụ lâu dài trong quân đội rồi. Đằng này Dũng chỉ mới hết lớp 5, thiệt thòi nhiều lắm. “Không thể để cho lũ trẻ phải thất học như mình được”, nghĩ vậy, nửa đêm Dũng đánh thức vợ dậy trao đổi và quyết định.
 
Vào đêm họp thứ 3, cả làng không tin vào tai mình khi Bí thư chi Đoàn A Dũng giơ tay tình nguyện hiến gần 1.000m2 đất của gia đình để chính quyền xây trường học cho lũ trẻ. Tự tay Dũng và vợ mang giấy chứng nhận quyền sở hữu đất lên giao cho cán bộ. Sau cánh tay giơ lên của A Dũng, lần lượt 7 cánh tay khác cũng giơ lên như: A Nguyên, A Nhu…

Tâm sự với chúng tôi, A Dũng nói: “Thật tình, mảnh đất ấy do ông bà để lại, lâu nay cuộc sống gia đình mình một phần nhờ vào nó. Nhưng vì tương lai lũ trẻ, mình chấp nhận thôi! Với lại, mình phải làm gương cho đám thanh niên nữa chứ.”

Hơn 8 năm làm “thủ lĩnh” thanh niên, A Dũng đã xây dựng phong trào Đoàn thuộc vào diện mạnh của xã. “Nhờ chi đoàn vững mạnh nên thanh niên trong làng nhiều năm nay đã bớt đi tình trạng rượu chè tối ngày, sống đoàn kết giúp đỡ nhau và chăm chỉ tăng gia sản xuất, xóa đói giảm nghèo cho chính bản thân và gia đình mình”, Trưởng thôn Kon Rẳ-A Nhu khẳng định.

Đại Hòa