Bạn trẻ liên tiếp được tỏ tình ngày Cá tháng Tư

(Dân trí) - Mặc dù nhiều bạn đã tự nhủ phải nâng cao tinh thần cảnh giác nhưng vẫn bị “cắn câu” trong ngày Cá tháng Tư. Đây là thời điểm giới trẻ mong ngóng để thoải mái trêu chọc, “lừa” bạn bè với mong muốn mang lại tiếng cười sảng khoái cho nhau.

Nói dối mà không lo bị giận

 

Học sinh, sinh viên đi học lúc nào cũng thích thú, sung sướng được nghỉ học để ăn uống, vui chơi nên nhiều bạn đã tận dụng lý do này làm “mồi” giăng bẫy những bạn bè hay cả tin.

 

Nguyễn Văn Sơn (ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Chúng mình học tín chỉ nên lịch không cố định, nhiều khi được nghỉ cũng là chuyện bình thường. Sáng ngày đó, Sơn đang hộc tốc đạp xe đến trường vì sợ muộn học thì thấy cậu bạn chơi khá thân nhắn hôm nay được nghỉ học.

 

Vui như "bắt được vàng", mình lao xe ra hàng quán ngồi ăn uống. Nhưng chỉ ngay sau đó, Sơn lại nhận được tin nhắn tiết 3, 4 vẫn học bình thường nên vội vàng quay trở lại lớp.

 

Khi đến lớp, mình thấy ai cũng cười lăn lộn vì tiết 3, 4 trống và 2 tiết vừa rồi học bình thường. Không chỉ Sơn mà còn 5, 6 bạn trong lớp mắc bẫy như thế. Đúng là đùa dai nhưng rất vui nên không giận các bạn bởi ngày này được thỏa thích nói dối”.

 
Không ít bạn trẻ tỏ tình thật thật, giả giả ngày Cá tháng Tư
Không ít bạn trẻ tỏ tình "thật thật, giả giả" ngày Cá tháng Tư
 

Liên tiếp được “tỏ tình”

 

Ngày 1/4 cũng không ít bạn trẻ bị ăn "ăn dưa bở" vì bỗng dưng được tỏ tình. Nguyễn Mai Sương chia sẻ: “Mình tỏ tình qua điện thoại với một người nhưng không ngờ họ tin thật. Sương lúng túng nên đành nói thẳng hôm nay là ngày nói dối, mong người ta thông cảm”.

 

May tình cảm của hai người trước giờ vẫn tốt nên người bạn đó không giận Sương. Cô bạn tinh nghịch cho biết mỗi năm mình giăng được rất nhiều cá to nên thu cho mình được rất nhiều tràng cười thoải mái.

 

Là một nạn nhân trong tình cảnh tương tự như thế này, Trịnh Văn Tuấn (ĐH Giao thông vận tải) ngậm ngùi bày tỏ: “Sáng sớm tới lớp bỗng nhận được lá thư trong đó rất nhiều câu tỏ tình lãng mạn: "Tớ thích cậu lâu rồi nhưng chưa dám nói ra, giờ sắp ra trường rồi tớ mới dám quyết định thổ lộ. Cậu đồng ý là người yêu tớ nhé!".

 

Đọc những dòng như vậy, mình bất ngờ và có chút gì đó rung động, tò mò. Nhưng tới khi nhớ ra là ngày nói dối thì mới thấy mình ngốc và thật buồn cười.

 

Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ viện cớ để “tỏ tình” thật với mục đích thăm dò tình cảm đối phương. Hoàng Tâm (trường CĐ Công nghệ Hà Nội) chia sẻ: “Là con gái, mình rất sợ bị từ chối khi tỏ tình. Bởi vậy mình lấy hết can đảm bày tỏ tình cảm với “người ấy” để lỡ may bị từ chối còn đỡ “quê”.

 
Cô bạn Mai Sương cũng khiến bạn mình tưởng thật vì trò đùa tỏ tình quái ác ngày 1/4.

Cô bạn Mai Sương cũng khiến bạn mình tưởng thật vì trò đùa tỏ tình "quái ác" ngày 1/4.
 

Cũng vì trò đùa “tỏ tình” này mà nhiều bạn trẻ đã mất đi những tình bạn thân tình, đáng quý khi trót lấy tình cảm ra để đùa. Trong khi đối phương có tình cảm thật với mình, Nguyễn Thu (trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp) vẫn nói lời yêu thương. Kết quả là đến 4 năm sau, bạn trai đó vẫn chưa tha thứ cho Thu vì cảm thấy bị tổn thương, coi thường.

 

Học trò “cắn câu” bởi thầy cô “xì -tin”

 

Thời đi học, ngày Cá tháng Tư càng trở nên vui, đáng nhớ hơn khi các thầy cô cũng tham gia "nói dối”. Lê Thị Hà (trường ĐH Thương mại) vẫn còn nhớ hôm đó, mới vào lớp thầy đã nói kiểm tra 45 phút. Cả lớp nháo nhào sợ hãi vì bài hôm trước chẳng có gì trọng tâm để học.

 

Lúc đó thầy vẫn tỏ ra rất nghiêm túc và "thật" nữa. Đến khi cả lớp chuẩn bị xong hết giấy kiểm tra rồi, thầy mới đọc đề :"Hôm nay là ngày gì?" thế là cả lớp được một trận cười sảng khoái và khen thầy cô nhà mình "xì tin" hết chỗ nói”.

 

Để nói dối thành công trong ngày Cá tháng Tư không quá khó khăn nhưng để mang lại tiếng cười thoải mái, sảng khoái cũng không phải là dễ. Bởi vậy mà các bạn trẻ vẫn nên cẩn thận, “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” để tránh những hậu quả đáng tiếc.

 

Hoàng Dung