“Bạn không thân” và 1.000 USD về tình người lay động giới trẻ

(Dân trí) - Câu chuyện của một phụ nữ đơn thân kể về người bạn không thân cùng với 1.000 USD được chia sẻ trên Facebook gây xúc động với rất nhiều người. Đặc biệt, câu chuyện lay động nhiều bạn trẻ về tình người, tình bạn...

Câu chuyện có thật về một người bạn cùng lớp, không thân của chị Nguyễn Thị Cúc, một phụ nữ sống ở TPHCM, từng du học ở Nga không chỉ xúc động về nghị lực đứng lên của một người phụ nữ sau hôn nhân tan vỡ mà hơn hết là niềm tin về về tình người giữa cuộc sống bộn bề.

Chị Nguyễn Thị Cúc (bên trái) và cô bạn không thân với câu chuyện về nghị lực sống và tình người lay động
Chị Nguyễn Thị Cúc (bên trái) và cô bạn "không thân" với câu chuyện về nghị lực sống và tình người lay động

Năm 2003, tiền bạc khánh kiệt khi công việc làm ăn phá sản cũng là lúc bi kịch gia đình chị Cúc xảy ra. Vợ chồng ly hôn, chị ôm con trai ra khỏi nhà đi thuê phòng trọ với tài sản duy nhất là chiếc xe máy với quyết tâm làm lại cuộc đời trong nỗi cùng cực nhất.

Chị thuê một căn nhà ọp ẹp, dột nát 30m2 trong hẻm hóc ở Q.Gò Vấp, hai mẹ con sống với nhau với tình cảnh buồn bã và lo âu. Cuộc sống bấp bênh, trông chờ vào mấy cái hồ sơ nhà đất mà hàng ngày chị gõ cửa từng hộ dân xem ai có nhu cầu không. Trong tình trạng đó, chị thu mình lại, cắt đứt với mọi mối quan hệ bên ngoài, không liên lạc với ai, bạn bè gặp gỡ cũng tìm cách tránh.

Một buổi tối, chiếc xe taxi đỗ xịch trước cửa nhà trọ. Cô bạn gái - chỉ là bạn học cùng lớp hồi cấp ba ở Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An và cùng qua Liên Xô (cũ) du học đến thăm với túi quà mà lúc đó với chị Cúc phải nói một quả chanh cũng quý. Cô bạn cười tươi: “Để xem hai mẹ con sống thế nào?” làm chị xúc động không cầm được nước mắt. Bởi chị không bao giờ dám nghĩ hay hy vọng có người bạn nào lại mò lên tận chỗ trọ xa xôi này thăm mình.

Và điều chị không nghĩ đến, nhìn hoàn cảnh của mình cô bạn chủ động đưa cho chị vay 1.000 USD – một số tiền quá lớn đối với chị lúc đó. Chị nhận mà không dám hứa trả vì chẳng biết lúc nào có để trả lại. Và có lẽ người cho vay lúc đó cũng phải nghĩ rằng, chị thật khó có khả năng trả lại…. Vay mượn lúc khó khăn là khó nhất, đằng này chị còn được tự nguyện cho vay.

Người bạn cho chị vay tiền – người mà chị khẳng định rằng chỉ là bạn cũ cùng lớp, không thân nhau! Chỉ như số phận run rủi, họ song hành với nhau suốt hàng chục năm trên con đường học tập từ phổ thông, đi du học và không hề hẹn lại cùng sống ở đất Sài Gòn.

Câu chuyện của chị Cúc thu hút nhiều chia sẻ của các bạn trẻ với những bình luận xúc động về tình người, tình bạn
Câu chuyện của chị Cúc thu hút nhiều chia sẻ của các bạn trẻ với những bình luận xúc động về tình người, tình bạn

“Hoàn cảnh, địa vị khác nhau nhưng chưa bao giờ bạn coi đó là khoảng cách. Bạn không bao giờ quên gọi tôi trong các cuộc hội ngộ và… bạn thường đóng góp thay tôi”, chị Cúc xúc động.

Cuộc đời của chị Cúc bắt đầu có những biến chuyển từ 1.000 USD của người bạn không thân. Chị dùng tiền mua một cái máy photo cũ, thuê một địa điểm nhỏ để mưu sinh. Hàng ngày, con vào học lúc 6g30 nhưng chị chở con tới trường lúc 5g30 với hy vọng trước lúc đến lớp có học trò nào đó photo bài kiểm tra, chị có thể kiếm được mỗi tờ photo 500 đồng.

Có nhiều người mang hồ sơ nhà, đất tới photo để hợp thức hóa, mua bán, vay ngân hàng… Đó là điều kiện để chị tiếp xúc, gặp gỡ với khách hàng để làm dịch vụ bất động sản, nhà đất.

Với sự góp nhặt kiên trì cùng với động lực của 1.000 USD, sau 10 năm, chị Cúc mua được nhà. Từ nhà nhỏ rồi đến nhà lớn, từ nhà trong hẻm rồi ra nhà mặt tiền. Mỗi lần liên hoan nhà mới thì cô bạn không thân lúc nào cũng là người có mặt đầu tiên chi sẻ niềm vui với chị.

Mọi người hỏi chị, bắt đầu như thế nào. Chị trả lời: Bắt đầu từ những hồ sơ nhà đất, những đồng tiền vay của bạn bè và đặc biệt từ cái máy photo trị giá 1.000 USD mà bạn cho tôi vay. Thi thoảng chị Cúc xúc động nhắc lại chuyện này, cô bạn lại la lên: “Đồ nhớ dai!”.

Nhớ chứ! Chị không bao giờ quên được lúc các mối quan hệ trong xã hội quay lưng với mình, mọi người chẳng muốn dây dưa, liên lạc với một đứa nghèo khó, bất hạnh như chị thì bạn đến. Đến với trái tim thấu hiểu để sẻ chia. Không chỉ về vật chất mà hơn hết gánh cho chị những nặng nề trong tâm hồn bị tổn thương.

“Dù đi qua nhiều lừa dối, phản bội, đau khổ tôi vẫn tin yêu cuộc đời bởi còn có những người như bạn – một cô bạn không thân!”, chị Cúc rơi nước mắt nghĩ đến quãng đường của mình bước đi.

Câu chuyện của chị Cúc được chia sẻ trên Facebook thu hút rất nhiều sự quan tâm của mọi người. Nhiều người không kìm được nước mắt khi đọc câu chuyện của chị, nghị lực sống của người phụ nữ sau hôn nhân tan vỡ và đặc biệt là niềm tin về tình người, tình bạn.

Hoài Nam (trích lược)