Ba chàng “hiệp sỹ” giàu nghị lực
Những người khiếm thị ở Hà Nội giờ đây đã có thể sử dụng máy tính và lướt net một cách thoải mái. Điều mà không ít người cho là không tưởng lại có thật. Tất cả đều nhờ công sức và tâm huyết của những chàng trai tật nguyền ham học và đầy nghị lực trong CLB Tin học khiếm thị Hà Nội.
Ước mơ giảng đường ĐH của 3 chàng “hiệp sỹ”
Năm 2003, Khúc Hải Vân - thành viên nhỏ tuổi nhất trong nhóm, lần đầu tiên tiếp xúc với tin học qua một người bạn khiếm thị. Để thực hiện ước mơ thi vào ĐH, Vân bắt buộc phải học chương trình NDC - chươơng trình soạn thảo văn bản dành riêng cho người khiếm thị.
Lúc ấy, Vân có thể làm bài thi theo phương pháp sử dụng bảng chữ nổi nhưng phải có người dịch bài. Theo Vân là rất bất tiện và không phù hợp với người khiếm thị vì khó có thể đọc các con số, câu chữ. Thế là Vân quyết tâm học máy tính, học NDC để thi đại học.
Thương con, bố mẹ Vân dồn hết số tiền tiết kiệm hơn 400.000đ của gia đình và vay mượn thêm để mua cho cậu chiếc máy tính cũ với giá hơn 1 triệu đồng. “Mặc dù chiếc máy vi tính đó cũ mèm và chạy như rùa bò nhưng đó là động lực để mình phấn đấu. Em nghĩ phải gắng học thật tốt, sử dụng thành thạo để tự tin hơn trong cuộc sống”- Vân nhớ lại.
Thi vào Học Viện Hành chính Quốc gia, Vân thiếu 1,5 điểm. Nhưng không vì thế mà Vân nản lòng. “Em sẽ tiếp tục học và nâng cao trình độ tin học để có công việc gì đó ngoài chuyện vót tăm, bán hàng từ thiện kiếm sống thông thường”.
Với Nguyễn Đình Toán có phần may mắn hơn Vân vì giờ đây cậu đang là sinh viên năm thứ nhất ĐH KHXH&NV Hà Nội. Toán mồ côi từ nhỏ và được Trung tâm Bảo trợ Xã hội Hà Nội nhận nuôi.
Học hết lớp 12, số phận lại một lần nữa “mỉm cười” với Toán, cậu may mắn được một người nước ngoài nhận đỡ đầu. Đầu năm 2003, Toán được gửi vào Trung tâm Sao Mai (TPHCM) để học tin học. Sau hơn một năm miệt mài học tập, tháng 7/2004, Toán ra Hà Nội thi vào khoa Xã Hội học- ĐH KHXH&NV Hà Nội (hệ tại chức).
Hôm đi thi, Toán mang theo chiếc máy tính xách tay vào làm bài trên máy tính khiến nhiều thí sinh khác không khỏi kinh ngạc. Toán cho biết: “Ban đầu mình cũng nghĩ học vi tính chỉ để làm bài thi ĐH nhưng về sau càng học thì càng thấy thích nên mình tiếp tục tìm hiểu sâu thêm, nắm bắt nhiều chương trình tin học khác, ngoài việc soạn thảo văn bản thông thường”.
![]() Toàn tận tình chỉ bảo cho một thành viên trong CLB. |
Còn với Phạm Xuân Hà - trưởng nhóm của CLB Tin học khiếm thị, thì tin học ngoài việc để làm bài thi ĐH nó còn là một công cụ giúp anh soạn nhạc. Vốn là sinh viên trường CĐ Nhạc Viện Hà Nội nhưng do mắt bị suy giảm trong một tai nạn giao thông nên Hà buộc phải sử dụng máy tính để hỗ trợ cho việc học tập và sáng tác.
Những “thầy giáo” dạy tin học cho người khiếm thị
Năm 2002, ba chàng trai (Hà, Vân, Toán) gặp nhau trong những buổi sinh hoạt của người khiếm thị. Lúc này, cả ba đều nảy ra ý tưởng sẽ thành lập một CLB chuyên giảng dạy và hướng dẫn học tin học cho người khiếm thị.
Tuy nhiên để thành lập được CLB, ba chàng hiệp sỹ phải “long đong”, vất vả nhiều nơi, gõ cửa nhiều chỗ. Đi đến chỗ nào họ cũng từ chối vì không tin rằng người mù có thể sử dụng được máy tính.
Rồi việc dạy, hướng dẫn cho người khiếm thị học tin học gặp không ít hạn chế. Thứ nhất, để cho người khiếm thị có thể học và sử dụng thành thạo máy tính thì trước tiên máy tính cần phải có 2 phần mềm hỗ trợ, đọc màn hình và phát âm các chương trình.
“Tức là khi chương trình chạy đến đâu, thao tác đến phần nào thì máy tính sẽ đọc đến đấy và người khiếm thị chỉ cần nghe và thực hiện tiếp các câu lệnh”- Toán giải thích.
Ngoài ra, các chương trình tin học dành cho ngươời khiếm thị đều do TPHCM sản xuất mà trong đó, người ta quen sử dụng kiểu bàn phím 4 hàng trong khi ở Hà Nội lại quen với cách gõ sử dụng bàn phím có 3 hàng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ soạn thảo văn bản. Vả lại, cả thầy giáo và học viên đều không nhìn thấy bàn phím, không nắm được vị trí các phím nên phải mô tả, hình dung rất khó khăn.
May mắn, họ gặp được thầy Nhuận ở Viện Nghiên cứu hỗ trợ phát triển giáo dục. Thầy rất quan tâm đến kế hoạch của nhóm và ngay lập tức đồng ý cho cả nhóm mượn cơ sở, mượn máy tính để thực hành
Ngày 12/3/2004, CLB Tin học khiếm thị Hà Nội ra đời. Từ đó cứ vào sáng thứ 6 hàng tuần, Viện Nghiên cứu hỗ trợ phát triển giáo dục Hà Nội (thuộc Liên hiệp các hội KHKT VN) trở nên đông đúc một cách lạ thường.
Toàn bộ 5 chiếc máy tính của phòng làm việc ở tầng 1 luôn nằm trong tình trạng quá tải. Gần chục con người, đầu mang tai nghe, tay nhẹ nhàng gõ bàn phím đang mải miết thực hiện những thao tác, những bài tập, bài thực hành căn bản đối với máy vi tính.
![]() Vân đang hướng dẫn cho học viên |
Nhìn bề ngoài, tưởng họ đang trò chuyện vui vì ai đó cũng chăm chú lắng nghe, miệng lại lắp bắp đọc nhẩm… Nhưng thật ra, đó là những giờ “lên lớp” của 3 chàng hiệp sỹ.
Do số lượng học viên khá nhiều nên ba “thầy giáo” Toán, Hà, Vân phải liên tục chạy “sô” từ hết bàn máy tính này đến bàn máy tính khác. Họ thao tác trên máy tính nhanh và thành thục đến không ngờ. Các phần mềm, chương trình ứng dụng đều được cả ba sử dụng thành thục. Các câu hỏi như: “thầy ơi, sao em đặt các phím nóng mà không được?” hoặc “tại sao em làm đúng mà chương trình không chạy”… cứ đều đặn 5 phút lại xuất hiện một lần. Các thầy dù mệt nhưng rất vui.
Các thành viên trong CLB vừa dạy tin học cho người mù, vừa nghiên cứu để ứng dụng các phần mềm thích hợp cho người mù sử dụng. “Với phần mềm Jaws, em nghĩ sao không đem nó ứng dụng vào Việt Nam, cài đặt tại các quán Càphê Internet để hỗ trợ người khiếm thị vào mạng, duyệt Web?” - Vân nói.
Một lần nữa, thầy Nhuận và Viện nghiên cứu hỗ trợ phát triển giáo dục lại là người tiếp nhận và tán thành. Ngay lập tức, 2 chiếc máy tính được nối mạng Internet để thực hiện ý tưởng của cả nhóm. Các học viên của CLB khiếm thị đã có thể truy cập mạng, vào các website của cả Việt Nam và thế giới để đọc và tìm thông tin.
Toán, Vân, Hà cho biết, kế hoạch sắp tới của cả nhóm là sẽ tiến hành biên tập lại tài liệu, giáo trình; đào tạo đội ngũ người khiếm thị ở các tỉnh rồi đưa về các cơ sở ở chính nơi đó để phổ cập tin học cho người khiếm thị. Cả nhóm cũng có ý định sẽ “nhờ” đặt máy học và dạy tin học ở các quán Internet để phục vụ ngơời khiếm thị. “Việc này tuy hơi khó nhưng nếu làm được thì sẽ rất ý nghĩa vì người khiếm thị sẽ dần được hoà nhập cộng đồng và phong trào tin học sẽ lan rộng tới nhiều người mù”.
Việt An - Hồng Hải