Quảng Nam:

9X mạnh dạn khởi nghiệp từ nghề làm heo đất truyền thống

(Dân trí) - Với sản phẩm chất lượng, mẫu mã đa dạng, đẹp mắt, những chú heo đất tiết kiệm bằng thạch cao của cô gái trẻ ngày càng được thị trường đón nhận, là mô hình khởi nghiệp mới tiêu biểu tại địa phương.

Vào giữa năm 2018, sau thời gian phụ việc cho một tiệm đồ gốm tại TP Đà Nẵng, nhận thấy nhu cầu thị trường heo đất khá cao, chị Ngô Thị Hương (SN 1992, xã Bình Trị, Thăng Bình, Quảng Nam) đã quyết định ra Hà Nội học nghề.

9X mạnh dạn khởi nghiệp từ nghề làm heo đất truyền thống - 1

Chị Ngô Thị Hương khởi nghiệp từ nghề làm heo đất tiết kiệm bằng thạch cao

Sau gần nửa năm học nghề tại làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), chị quay về mở xưởng sản xuất heo đất tại Đà Nẵng để khởi nghiệp, vì dễ tìm khách hàng và nguồn nguyên liệu.

9X mạnh dạn khởi nghiệp từ nghề làm heo đất truyền thống - 2

Mỗi tháng cơ sở chị có thể cung cấp khoảng 4.500 sản phẩm. Thời gian tới, chị dự định mở rộng cơ sở sản xuất

Gọi là heo đất nhưng sản phẩm của chị được làm từ thạch cao. Chị cho rằng, làm bằng đất phải qua nhiều công đoạn nhào nặn, nung nấu, còn với thạch cao thì đơn giản hơn nhiều. Tuy vậy, thời gian đầu mới ra nghề, những sản phẩm của chị đa số đều bị lỗi.

Lúc đầu chưa có kinh nghiệm, những sản phẩm hư hại chị lại gửi ra Hà Nội nhờ tư vấn. Nhưng làm mãi thành quen, chị rút kinh nghiệm sau những lần thất bại để từng bước hoàn thiện sản phẩm, chất lượng và đa dạng hơn.

“Sản phẩm của tôi kế thừa và phát triển dựa trên sản phẩm truyền thống, vừa là heo tiết kiệm, còn có giá trị lưu niệm… Theo tôi, trên con đường khởi nghiệp thì thất bại là điều không tránh khỏi, nhưng mình phải biết đứng lên và vượt qua chính mình.

Nghề làm heo đất này vừa là công việc, vừa là đam mê nên tôi luôn cố gắng hết sức để phát triển từng ngày”, chị Hương chia sẻ.

9X mạnh dạn khởi nghiệp từ nghề làm heo đất truyền thống - 3

Trải qua nhiều khó khăn từ đúc khuông, đến phối màu để cho ra sản phẩm hoàn thiện…

Khi số lượng khách hàng thân thuộc ổn định, mô hình của chị Hương cần mặt bằng rộng và nhiều nhân công hơn để đảm bảo nguồn cung, xưởng ở Đà Nẵng không đáp ứng được điều đó, chị quyết định về quê sản xuất.

Hiện nay, mỗi tháng cơ sở của chị Hương có thể cung cấp ra thị trường khoảng 4.500 sản phẩm. Mỗi lứa sản phẩm phải trải qua 14 ngày phơi nắng để thạch cao và nước sơn được khô đều.

9X mạnh dạn khởi nghiệp từ nghề làm heo đất truyền thống - 4

Hiện cơ sở chị đang tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương

Heo đất của chị được đầu tư khá kỹ về hình thức và mẫu mã. Chị Hương liên tục cập nhật những mô hình thú cưng lạ lẫm, bắt mắt để thay đổi khuôn mẫu, đáp ứng nhu cầu về tính đa dạng của khách hàng.

Hiện tại, mô hình của chị đang sử dụng 4 lao động thường xuyên tại địa phương, mỗi người có mức lương từ 4-5 triệu đồng/tháng.

9X mạnh dạn khởi nghiệp từ nghề làm heo đất truyền thống - 5

Kế thừa và phát triển dựa trên nghề thủ công truyền thống, không chỉ bỏ mối tại các chợ, chị còn liên kết đối tác để in logo nhằm mở rộng thị trường

Ngoài cung cấp đến các chợ, quầy lưu niệm tại thị trường Đà Nẵng, một số ít tại Quảng Nam… chị Hương cũng đang hướng đến đối tác là các công ty bảo hiểm, ngân hàng, với nhu cầu in logo của doanh nghiệp lên heo đất, làm quà tặng tri ân khách hàng.

Đây là thị trường tiềm năng và ổn định nhưng yêu cầu của đối tác cũng khá cao, đòi hỏi sản phẩm phải chất lượng và đảm bảo nguồn cung ổn định.

9X mạnh dạn khởi nghiệp từ nghề làm heo đất truyền thống

“Hiện tại, thị trường bán lẻ thì mình không thiếu, kể cả những thị trường lớn, ổn định. Nhưng muốn bắt tay với đối tác lớn thì mình phải mở rộng quy mô sản xuất.

Sắp tới, mình sẽ mở rộng thêm không gian xưởng, xây thêm sân phơi, trang bị thêm máy phun sơn hiện đại để đẩy kịp tiến độ mỗi dịp cận tết”, chị Hương chia sẻ.

Đánh giá cao về mô hình khởi nghiệp của chị Hương, bà Nguyễn Thị Kiều - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Bình Trị, huyện Thăng Bình, Quảng Nam - cho biết: “Mô hình khởi nghiệp của chị Hương tuy là mô hình mới nhưng rất hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Chúng tôi đã đến khảo sát và hỗ trợ thêm cho chị Hương để vay vốn mở rộng kinh doanh.

Đặc biệt, sản phẩm heo đất mang giá trị truyền thống cao, quá trình sản xuất không ảnh hưởng đến môi trường là hướng đi tốt. Tôi tin rằng, mô hình của chị Hương sẽ ngày càng phát triển và thành công hơn nữa”.

Công Bính – Ngô Linh