8x và chuyện giữ tiền

Sinh nhật nhỏ bạn? - tốn tiền; thầy cho nghỉ, đi café thôi! - tốn tiền; hãng G vừa tung ra bộ sưu tập mới đấy! - lại tiền!... Cứ như thế, nếu không học cách nói “không” với những thứ không cần thiết, 8x sẽ dễ dàng bị cuốn vào những chi phí lẽ ra không đáng.

Lời khuyên ở đây là “nếu bạn không thể chi trả, hãy nói không ngay từ đầu”!

 

Không tự quản lý quỹ chi tiêu. Có bao nhiêu xài hết bấy nhiêu, đó là lý do vì sao “viêm màng túi” là căn bệnh trầm kha của 8x. Với những số tiền định kỳ như tiền bố mẹ cho, tiền làm thêm, chúng ta nên lập một kế hoạch cụ thể những khoản phải chi, ấn định số tiền được sử dụng trong mỗi tháng. Tốt nhất, bạn nên lập kế hoạch trên giấy trước khi sử dụng trong thực tiễn.

 

Bội chi vì trường lớp. Đó là những khoản như học thêm buổi tối, học phí đầu năm… Xu hướng chung của chúng ta là chuộng trường nổi tiếng, mà nổi tiếng đồng nghĩa với đắt tiền. Không phải cứ trường mắc tiền là trường có chất lượng, đó là chưa kể đến yếu tố phù hợp. Một sinh viên phải sống trong tình trạng vật lộn với học phí thì khó để đạt kết quả cao nhất được.

 

Cho bạn mượn tiền. Trong giới 8x còn truyền tụng một câu nói bất hủ: “Không cho bạn mượn tiền, ta sẽ mất bạn. Nhưng nếu cho bạn mượn tiền, ta sẽ mất luôn cả tiền lẫn bạn”. Đây là điều khá phổ biến và rất ít 8x nào tự tin nói rằng: “Tớ không bao giờ mắc sai lầm này”.

 

Mua hàng bị “hớ”. 8x cần phải học cách so sánh giữa shop và tiệm tạp hoá. Với những mặt hàng thông dụng như bàn chải đánh răng, thậm chí dép lào, nếu biết chỗ, bạn có thể mua với giá rẻ hơn nhiều so với trong shop hay siêu thị đấy.

 

Không tính cho tương lai. Bạn sẽ làm gì khi ra trường trong trường hợp chưa kiếm được việc làm? Bạn xử lý thế nào những lúc cần vốn gấp? Hãy biết tiết kiệm cho riêng mình ngay từ bây giờ.

 

Không tận dụng thời gian tìm việc làm. Học trên giảng đường chắc chắn chiếm hầu hết thời gian, nhưng bạn vẫn có thể sắp xếp được thời gian để làm một cái gì đó. Làm thêm không những giúp ta có thu nhập, mà còn giúp bạn biết sử dụng có trách nhiệm hơn với những đồng tiền do chính mình làm ra.

 

Tuy nhiên, bạn phải cân đối giữa lợi ích và thiệt hại của việc đi làm thêm nhé. Không nên bỏ hết thời gian để làm việc trong khi thời gian học tập để bổ sung kiến thức lại không có.

 

 Theo Hương Giang, Vũ Phương
VN8X