8X người Mường và từ điển thú y đầu tiên

Xuất phát từ mong muốn có một bộ từ điển chuyên ngành giải thích đầy đủ từ, thuật ngữ Anh – Việt, chàng sinh viên dân tộc Mường và nhóm bạn đã hình thành nên ý tưởng xây dựng bộ từ điển Anh – Việt chuyên ngành Thú y dưới dạng một phần mềm.

Ước mơ là một chuyện nhưng phải biết lựa sức mình

 

Đinh Thế Duy năm nay 23 tuổi. Gia đình trung nông thuộc huyện Tân Lạc, Hòa Bình. Bố mẹ quanh năm bám ruộng đồng nuôi ba con trai ăn học. Không phụ lòng cha mẹ, cả ba đều đã đỗ đạt ĐH. Hai anh trai học ĐH Tây Bắc, anh cả hiện đang là giáo viên Trường THPT Mường Bi, anh thứ hai  hiện là giảng viên ĐH Tây Bắc.

 

Hồi học cấp 2, Duy đều đạt học lực khá, lên cấp 3 thì liên tục giỏi. Năm lớp 9, thi học sinh giỏi Vật lý cấp huyện được giải ba. Trước kia , Duy vẫn nuôi ý định thi Hóa hoặc Môi trường của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội.

 

"Trong suy nghĩ lúc đó, em luôn nghĩ rằng mình sẽ đạt được. Nhưng rồi qua nhiều lần thi thử và nhận được tư vấn, em đã quyết định chọn trường phù hợp với khả năng của mình. Một sự lựa chọn đúng”.

 

Niềm vui như nhân đôi khi năm đó Duy thi đỗ nguyện vọng 1 vào Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội với điểm 15.5 (chưa tính điểm ưu tiên) bởi trước đây ở trường cấp3 của cậu, số lượng đỗ ĐH rất ít và hầu như là đỗ lần 2, lần 3.

 
8X người Mường và từ điển thú y đầu tiên  - 1
Thế Duy trong buổi thuyết trình bảo vệ sản phẩm tại vòng thi Chung khảo giải Nhân tài đất Việt 2010.
 

Duy cũng tâm sự: “Khá nhiều sinh viên nông nghiệp đôi khi cảm thấy học ở trường mình là một mặc cảm và không tự tin khi ra trường. Đặc biệt, với ngành công nghệ thông tin em đang học, khi bước vào năm đầu tiên, trong lớp có rất nhiều bạn có ý định thi lại vào một trường có điểm tuyển sinh cao hơn”.

 

“Mặc dù là khoa trẻ và ít được đầu tư, nhưng em thấy mình đã lựa chọn đúng. Bên cạnh đó việc khai thác ứng dụng Công nghệ Thông tin (CNTT) vào Nông nghiệp, giúp chúng em có nhiều đề tài và điều kiện nghiên cứu, phát triển kỹ năng hơn” – Duy cho biết thêm.

 

Phần mềm từ điển chuyên ngành thú y đầu tiên tại Việt Nam

 

Xuất phát từ thực tế không có một bộ từ điển chuyên ngành giải thích đầy đủ từ, thuật ngữ Anh – Việt, trong quá trình tìm đề tài nghiên cứu khoa học, nhóm 5 bạn chuyên ngành CNTT của Duy đã hình thành nên ý tưởng xây dựng một bộ từ điển Anh – Việt chuyên ngành Thú y dưới dạng một phần mềm đáp ứng tra cứu nhanh, đầy đủ, mọi lúc, mọi nơi.

 

Nói thêm về ý tưởng này, Duy bổ sung: “Trước đây, theo tìm hiểu của sinh viên và giảng viên thì còn từ điển dạng Anh – Anh, nhưng không có dạng phần mềm mà chỉ có ở dạng phần cứng. Ví dụ như: Black’s Veterinary Dictionary của tác giả Edward Boden.

 

Vậy nên sản bộ từ điển giải thích từ, thuật ngữ chuyên ngành Thú y Anh – Việt dưới dạng phần mềm đầu tiên. Dù về mặt công nghệ, chưa có nét đột phá, nhưng sản phẩm được đánh giá cao bởi tính tiên phong, mới lạ”.

 

Khó khăn lớn nhất của Duy và các bạn trong quá trình thực hiện là khi thu thập và chuẩn hóa dữ liệu, vì dữ liệu phân bố rải rác ở các phụ lục sách chuyên môn hoặc các tài liệu nghiên cứu, một số phân bố ở Từ điển sinh học. Để có được nghĩa đầy đủ, phong phú và hình ảnh minh họa, nhóm phải tập hợp từ nhiều nguồn.

 

Sau đó,  thầy Nguyễn Văn Giáp ở trường giúp đỡ, các từ được chuẩn hóa. Về sau sản phẩm còn được sự cộng tác của câu lạc bộ dịch thuật Khoa Thú y, trước khi sản phẩm được gửi đi giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học của Bộ GD-ĐT.

 

VETDICT đã được trao giải nhất hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học Trường ĐH Nông Nghiệp Hà Nội.

 

Tháng 3/2009 thì có giải khuyến khích của giải thưởng sinh viên NCKH cấp bộ và là  sản phẩm lọt vào top 18 (vượt qua 165 trong số183 sản phẩm lọt vào vòng chung khảo) của giải thưởng "Nhân tài đất Việt" 2010.

 

“Tất nhiên, sản phẩm còn cần bổ sung về công nghệ và dữ liệu. Nhưng với VETDICT, chỉ cần người dùng biết đôi chút về máy tính là đã có thể sử dụng được” – Duy cho hay.

 

Làm bí thư để rèn tự tin

 

Hồi học phổ thông, Thế Duy đã tích cực tham gia hoạt động Đoàn, Đội và được giấy khen của UBND huyện. Lên ĐH, Duy tiếp tục phát huy sở trường. “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nhưng vẫn mang lại cho cậu niềm vui. Mỗi lần tổ chức hoạt động và tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao của khoa, trường giúp Duy thêm tự tin trước đám đông và khả năng tổ chức tập thể.

 

Hiện  Duy đang làm một website tích hợp bản đồ Google Maps trong kinh doanh bất động sản. Tham vọng của cậu là: “Trong tương lai, người ta chỉ cần nhấn chuột trên bản đồ là có thể ngắm hình ảnh những ngôi nhà, mảnh đất mình cần bán/mua dưới dạng 3D”.

 

Đánh giá về chàng sinh viên dân tộc Mường này, thầy Trịnh Đình Thâu, Phó khoa Thú Y, ĐH Nông nghiệp Hà Nội gật gù chốt lại: “Một người cần cù, chịu khó, năng nổ, có ý chí phấn đấu tốt. Tôi tin em sẽ còn tiến xa trên con đường mình đã chọn”.

 

Theo Văn Chung

Vietnamnet