1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hàn Quốc ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam

(Dân trí) - Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, xác nhận: hạn ngạch tuyển mới lao động VN năm 2012 đã dừng lại, đồng nghĩa với việc từ nay đến hết năm không có LĐVN được tuyển dụng mới sang Hàn Quốc làm việc.

Được biết, Phía Bộ Lao động Hàn Quốc đã có văn bản gửi Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam thông báo quyết định tạm dừng tiến trình thỏa thuận giữa hai bên về chương trình cấp phép việc làm cho lao động Việt Nam. Cùng đó, phía Hàn Quốc cũng gửi kèm danh sách số lượng và tỉ lệ lao động VN bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Theo đó, tính đến nay tổng số lao động bất hợp pháp là 22.708 người, trong đó lao động đi theo chương trình chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) là 11.347 người.

Đây chính là nguyên nhân khiến phía bạn đưa ra quyết định này. Như vậy, gần 12.000 hồ sơ lao động đã thi đậu các kỳ thi tiếng Hàn đang chờ được chủ sử dụng Hàn Quốc chọn lựa coi như mất cơ hội đi xuất khẩu lao động sang quốc gia này.

Hàng trăm người dân Nghệ An chen lấn đăng ký thi tuyển tiếng Hàn hồi đầu năm nay. (Ảnh: Nguyễn Duy)

Hàng trăm người dân Nghệ An chen lấn đăng ký thi tuyển tiếng Hàn hồi đầu năm nay. (Ảnh: Nguyễn Duy)

Trên thực tế, từ tháng 9/2011, Hàn Quốc đã từng tạm dừng các đợt thi tuyển tiếng Hàn nhằm tiếp nhận lao động Việt Nam sang quốc gia này. Nguyên nhân do số lượng người lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại quốc gia này đang ở mức cao nhất trong 15 quốc gia phái cử lao động.

Theo báo cáo từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ- TB&XH, hiện tình hình người lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp đang là vấn đề búc xúc tại Hàn Quốc, làm đau đầu cơ quan quản lý trong việc hoạch định chính sách lao động và quản lý người nước ngoài. Theo thống kê, trong tổng số trên 60.000 lao động Việt Nam hiện đang làm việc, có gần 8.800 người đang cư trú bất hợp pháp, đứng đầu về số lượng so với các quốc gia phái cử. Nghiêm trọng hơn là tình trạng người lao động bỏ trốn ngay sau khi nhập cảnh vào Hàn Quốc cũng tăng lên trong thời gian gần đây (cả nước có 50 huyện có tỉ lệ lao động bỏ trốn trên 50%).

Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, từ cuối năm 2011, phía Bộ và các cơ quan chức năng đã có những biện pháp nhằm hạn chế lao động bất hợp pháp và kêu gọi các lao động hết hạn hợp đồng về nước. Tuy nhiên, kết quả đạt được không đáng kể. Các cơ quan quản lý lao động Việt Nam đã và đang tiếp tục có những cuộc tiếp xúc với phía Hàn Quốc nhằm thương lượng và thuyết phục phía bạn tháo gỡ tình trạng “đóng băng” như hiện nay.

Theo thỏa thuận về chương trình EPS, cứ hai năm một lần phía Hàn Quốc và Việt Nam sẽ ký lại bản thỏa thuận để chương trình được triển khai liên tục. Tuy nhiên, sau lần ký mới nhất (ngày 29/10/2010 và đã hết hiệu lực vào ngày 28/8/2012) đến nay, phía Hàn Quốc đã ngừng ký tiếp thỏa thuận.

 Phạm Thanh