1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

TPHCM:

20% lao động chuyển chỗ làm trong một tháng

(Dân trí) - Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi), trong tháng 2/2012 đã có tới 20% lao động TP tham gia “dịch chuyển”, đổi chỗ làm.

20% lao động chuyển chỗ làm trong một tháng - 1
Tình hình “dịch chuyển” lao động đầu năm nay ổn định hơn năm 2011

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc thường trực Falmi cho biết: “Thị trường lao động thành phố tháng 2, chỉ số nhu cầu tuyển dụng tăng 45% so tháng 1. Nhu cầu tuyển dụng nhân lực nhiều là những ngành nghề sử dụng lao động có trình độ Sơ cấp nghề và lao động phổ thông (43,84%) để ổn định nhân lực sau Tết Nhâm Thìn và đảm bảo yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh”.

Theo nhận định của Falmi thì thị trường lao động thành phố tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2012 ổn định so cùng kỳ năm 2011. Tuy có nhiều doanh nghiệp tuyển dụng số lượng lớn và tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là lao động phổ thông còn phổ biến nhưng không quá căng thẳng, mức độ dịch chuyển lao động không cao như năm 2011 (trên 30%).

Ông Trần Anh Tuấn cho rằng: “Có thể nhận thấy rõ nét nhiều doanh nghiệp đã quan tâm về chính sách tiền lương và chăm lo phúc lợi cho người lao động, tạo động lực thu hút nguồn lao động quay lại làm việc sau tết nhiều và ổn định hơn các năm trước”.

Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông trong tháng qua cũng không quá nhiều về số lượng người như năm 2011 và không chỉ tập trung nhiều cho lĩnh vực gia công, chế biến, sản xuất mà còn tập trung vào lĩnh vực Dịch vụ, Bán hàng, Điện tử - Viễn thông, Bảo hiểm, Nhân viên kinh doanh… Đặc biệt, lĩnh vực Dệt may - Da giầy không thiếu quá nhiều lao động so với năm 2010 và 2011.

Tình hình kinh tế - xã hội của TPHCM năm 2012 được dự báo tiếp tục còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến đời sống người dân và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, Falmi dự báo trong tháng 3 và những tháng sắp tới của năm 2012 sẽ không tránh khỏi tình trạng dịch chuyển lao động, nhưng sẽ không ở mức quá cao như năm 2011 và 2010.

Xu hướng nhu cầu nhân lực tháng 3 tiếp tục tuyển dụng lao đông tập trung vào một số ngành nghể như: Dệt may - Da giầy, Xây dựng, Cơ khí, Điện - Điện tử, Viễn thông, Marketing, Dịch vụ - Phục vụ… Dự kiến trong tháng 3/2012, thành phố có nhu cầu khoảng 35.000 lao động. Trong đó, nguồn lao động phổ thông chiếm khoảng 50% nhu cầu tuyển dụng, Sơ cấp nghề và Công nhân kỹ thuật lành nghề chiếm (15%), còn lại là lao động có trình độ từ Trung cấp trở lên chiếm (35%).

Tùng Nguyên