1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Xuất khẩu lao động sang Trung Đông: Cánh cửa lớn còn bỏ ngỏ

(Dân trí) - “Trung Đông là khu vực nhận nhiều lao động nước ngoài nhất thế giới từ trước đến nay. Trong thời gian tới, đây vẫn là thị trường tiềm năng lớn cho việc đưa lao động sang làm việc tại vùng dầu mỏ này” - ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục Trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), nhận định.

Ông Quỳnh cho biết: Lao động ở khu vực này chủ yếu là xây dựng với mức lương cho lao động không có nghề khoảng từ 190 USD trở lên, có nghề là 250 USD và tay nghề cao thì mức lương sẽ cao hơn nữa. Ngoài ra, người lao động có thể làm thêm giờ để hưởng mức lương cao hơn.

 

Mặc dù thị trường xuất khẩu lao động Trung Đông được tiến hành từ nhiều năm nay nhưng theo đánh giá chung thì đây vẫn là một thì trường có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực từ nước ngoài. Theo thống kê từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện có hơn 10.000 lao động của Việt Nam đang làm việc tại các nước thuộc khu vực này, chủ yếu là Qatar, các tiểu Vương quốc ả rập - xê út. Và trong thời gian tới, nhu cầu về nhân lực tại các nước này sẽ vẫn tiếp tục gia tăng.

 

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho hay, để ngăn ngừa trường hợp lao động Việt Nam chưa thực hiện tốt kỷ luật khi tham gia xuất khẩu lao động, đặc biệt là tại thị trường Trung Đông, Bộ LĐ-TB&XH đang xem xét và trong thời gian tới, sẽ có một số doanh nghiệp không được phép đưa lao động sang khu vực này vì chất lượng lao động không bảo đảm, làm ảnh hưởng chung tới thị trường.

 

Về phía người lao động, để tránh việc bị lừa đảo, người lao động nên đăng ký đi xuất khẩu lao động tại các cơ sở, các doanh nghiệp có giấy phép. Trong trường hợp cần thiết, người lao động nên đến Sở LĐ-TB&XH hoặc Cục Quản lý lao động ngoài nước để có để biết rõ về trường hợp đi làm việc của mình.

“Sắp tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiến hành đàm phán với các cơ quan chức năng của các nước ở khu vực thị trường này nhằm ký kết hiệp định, tạo khu pháp lý cho các doanh nghiệp đưa lao động vào thị trường này được thuận lợi” - ông Quỳnh nhấn mạnh.

 

Nắm bắt cơ hội phát triển vào thị trường tiềm năng này, vừa qua, Công ty cổ phần Hợp tác lao động nước ngoài LOD (Bộ Giao thông vận tải) đã phối hợp với công đoàn ngành giao thông vận tải thống nhất chủ trương tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí, chính sách... để người lao động có thể sang làm việc tại khu vực Trung Đông.

 

Theo bà Phan Thị Thu Ba - Phó Tổng giám đốc Công ty LOD - đối tượng ưu tiên trước hết của chương trình này là công nhân lao động và con em công nhân lao động trong khối ngành xây dựng cơ bản đi làm việc ở Qatar - Trung Đông (nơi đang tuyển rất nhiều lao động ngành xây dựng làm việc tại các công trường).

 

Bà Phan Thị Thu Ba cho biết: Người lao động  đi làm việc theo chương trình này sẽ được công ty LOD hỗ trợ một số chính sách ưu đãi đặc biệt, được hỗ trợ toàn bộ chi phí đào tạo tiền học ngoại ngữ, giáo dục định hướng, tiền ở trong quá trình học tập, đào tạo định hướng trước khi đi, tiền đi lại nhập học. Đặc biệt, với những lao động đi làm ở vị trí đốc công, kỹ sư, phiên dịch sẽ không phải chịu phí quản lý (mỗi năm một tháng lương) theo quy định của Nhà nước, đồng thời công ty còn đóng BHXH 100% cho đối tượng này trong thời gian họ làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, với nghề hàn, máy xúc và máy ủi, người lao động phải tự chịu phí đào tạo…

 

An Hạ