1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đắk Lắk:

Trên 10.000 lao động về quê đã quay lại TPHCM, Bình Dương

Thúy Diễm

(Dân trí) - Nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người lao động trở lại các tỉnh, thành phía Nam làm việc, UBND tỉnh Đắk Lắk đã làm việc với các địa phương để chủ động kết nối và đề xuất nhiều giải pháp.

Ngày 7/12, thông tin từ UBND tỉnh Đắk Lắk cho hay, đơn vị vừa có báo cáo kết quả Đoàn công tác của tỉnh làm việc với TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương để hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động (NLĐ) của tỉnh Đắk Lắk quay trở lại làm việc.

Trên 10.000 lao động về quê đã quay lại TPHCM, Bình Dương - 1

Lao động Đắk Lắk sẽ nhận được nhiều hỗ trợ khi quay trở lại các tỉnh, thành phía Nam làm việc (Ảnh: Minh Trần).

Theo đó, toàn tỉnh có trên 150.000 người trở về từ các tỉnh, thành phía Nam từ đợt dịch thứ tư đến nay. Trong đó, có trên 130.000 người trong độ tuổi lao động.

Tại buổi làm việc với các tỉnh, thành phía Nam vừa qua, đoàn công tác của tỉnh Đắk Lắk đã đề xuất nhiều phương án để các địa phương có sự hỗ trợ tốt nhất cho NLĐ của tỉnh và nhận được sự đồng ý giúp đỡ của các địa phương cần sử dụng lao động.

Cụ thể, tại TPHCM có khoảng 35.000 lao động Đắk Lắk hồi hương. Hiện tại, TPHCM có nhu cầu tiếp nhận khoảng 60.000 người ở lĩnh vực may mặc, giày da, cơ khí, điện - điện tử, chế biến thực phẩm, cơ khí…

Trên 10.000 lao động về quê đã quay lại TPHCM, Bình Dương - 2

Nhiều địa phương sẵn sàng bố phương tiện đón, tổ chức tiêm vaccine cho người lao động an tâm quay trở về nơi làm việc (Ảnh: Minh Trần).

Để kêu gọi lao động trở lại TPHCM làm việc, thành phố đã thông tin nhu cầu, các chính sách của doanh nghiệp thông qua Trung tâm dịch vụ việc làm và có chương trình hỗ trợ giảm tiền thuê nhà từ 30-50% cho NLĐ. TPHCM cũng có chủ trương đề nghị xây dựng 80.000 chỗ ở cho NLĐ trong thời gian tới.

Khoảng 33.000 NLĐ Đắk Lắk trở về quê từ tỉnh Đồng Nai. Hiện tại, lao động trở lại khoảng 6.000 người. Theo phía tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn có trên 38.000 doanh nghiệp, hiện tỉnh đang thiếu hụt khoảng 40.000 NLĐ với mức thu nhập trung bình khoảng 8,7 triệu đồng/tháng.

Riêng tỉnh Bình Dương có trên 57.000 lao động Đắk Lắk hồi hương, hiện mới quay trở lại khoảng 7.000 người.

Tỉnh Bình Dương đang thiếu khoảng 40.000 lao động, chủ yếu các ngành nghề: sản xuất gỗ nội thất, giày da, dệt may, gỗ, thực phẩm, thương mại dịch vụ, điện tử… Tỉnh này cũng có nhiều chính sách thu hút lao động, trong đó mức lương trung bình vào khoảng 7-9 triệu đồng (chưa kể tăng ca). Tỉnh Bình Dương còn đang đề nghị Trung ương hỗ trợ 10.000 tỷ đồng xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân.

Trên 10.000 lao động về quê đã quay lại TPHCM, Bình Dương - 3

Công tác giới thiệu, tư vấn việc làm được đẩy mạnh hỗ trợ cho các lao động (Ảnh: Thúy Diễm).

Các tỉnh, thành phía Nam đều có nhiều chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện đào tạo nghề cho lao động, hỗ trợ nhà ở cho NLĐ thu nhập thấp. Hỗ trợ đưa đón NLĐ trở lại làm việc, tiêm vaccine cho người lao động. Kết nối cùng Trung tâm dịch việc làm để thông tin nhu cầu của các doanh nghiệp đến người lao động...

Ông Nguyễn Quang Thuân - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk - cho biết, hiện nay có trên 10.000 lao động của tỉnh đã quay lại nơi làm việc cũ ở các tỉnh, thành phía Nam. Riêng số lao động còn lại chưa quay lại do Đắk Lắk đang vào mùa thu hoạch cà phê nên NLĐ còn ở lại để thu hoạch. Nhiều lao động còn mong muốn ở lại với gia đình sau dịp Tết Nguyên đán mới quay lại làm việc và cũng có nhiều lao động còn e ngại trước tình hình dịch bệnh.

Trên 10.000 lao động về quê đã quay lại TPHCM, Bình Dương - 4

Các trường mầm non chưa hoạt động, chưa có chỗ gửi trẻ cũng khiến lao động e ngại khi quay trở lại phía Nam làm việc ( Ảnh: Uy Nguyễn).

Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa cho học sinh đi học trực tiếp, nhiều lao động có con nhỏ chưa sắp xếp người trông nom để an tâm đi làm cũng là một trong những lý do khiến lao động chưa quay trở lại.

"Trong tuần này sẽ có một số các doanh nghiệp, đơn vị sẽ trực tiếp lên Đắk Lắk tuyển dụng lao động. Phía Sở sẽ tạo điều kiện phối hợp tùy theo tình hình để mở các phiên giao dịch trực tiếp hoặc gián tiếp… bằng nhiều hình nhằm kết nối cung - cầu lao động", ông Thuân cho hay.