Tôi bị sếp và đồng nghiệp bắt nạt!

(Dân trí) - Mọi người đều nhận xét bạn là người hiền lành, hay nhường nhịn, thậm chí ngây ngô. Có thể đó là một trong những nguyên nhân khiến bạn đôi khi bị bắt nạt mà không biết đấy.

Nếu bạn đang phải chịu một trong những tình huống dưới đây, nghĩa là bạn đang bị bắt nạt.

 

Bạn bị đứng bên lề. Bạn thường bị cho “ra rìa” trong mọi hoạt động của công ty, từ hoạt động chuyên môn đến hoạt động vui chơi giải trí. Hình như đối với bạn, họ đã “ưu ái” thiết lập một quy chế riêng. Mọi thông tin, bạn đều là người biết sau cùng.

 

Bạn bị bẽ mặt trước mọi người. Khi đồng nghiệp mắc lỗi, sếp gọi riêng họ vào phòng nhắc nhở nhẹ nhàng. Khi bạn mắc lỗi, sếp quát tháo bạn trước các đồng nghiệp, khách hàng. Mọi người dành cho bạn những ánh mắt thương hại, bạn cảm thấy oan ức đến phát khóc nhưng không ai muốn nghe bạn thanh minh. Hình như sếp và đồng nghiệp muốn hạ thấp danh dự, uy tín của bạn. Trong khi những lỗi lầm của người khác chỉ là “sương khói” thì lỗi lầm của bạn lúc nào cũng bị đem ra mổ xẻ, “xé ra to” trước bàn dân thiên hạ.

 

Bạn bị quát mắng. Quát mắng trong công sở là hành động khó chấp nhận. Sếp đôi khi căng thẳng công việc, muốn “ra oai” một chút còn được, chứ là đồng nghiệp ngang hàng với nhau mà lại quát mắng thì quả là quá đáng. Ấy thế mà ai cũng quát mắng bạn, có khi còn kiểu “giận cá chém thớt”, trút giận vào bạn chứ.

 

Bạn bị đe doạ “ngầm”. Sếp của bạn thật “nhũng nhiễu”, muốn bạn làm những việc ngoài trách nhiệm công việc của mình, chẳng hạn như những việc cá nhân đời tư riêng của sếp. Nếu bạn không muốn làm thì bị “đe” đủ điều: trừ lương, cắt tiền thưởng, thậm chí đuổi việc. Và vì những sự lệ thuộc đó mà bạn phải ngậm đắng nuốt cay chiều lòng sếp.

 

Bạn bị giao công việc quá tải. Bạn thì cứ lu bù vào công việc, tối tăm mặt mũi, trong khi đó những người khác thì nhởn nhơ. Tệ hại hơn sếp lại chả đánh giá cao công việc của bạn, xem như đó là điều “tất lẽ dĩ ngẫu”, đương nhiên bạn phải làm, mà chả có chút khuyến khích động viên gì. Hơn nữa giao công việc lại không chỉ bảo rõ ràng, bắt bạn một mình xoay xở với núi công việc, chả khác gì cô Tấm ngồi nhặt thóc gạo.

 

Bạn bị đem ra làm trò cười. Tròng ghẹo quá đáng là một hình thức xúc phạm nhân phẩm người khác. Có gì khó chịu bằng mỗi khi bạn đi qua, lại nghe tiếng cười xách mé vang lên từ mọi phía, và “tận hưởng” những ánh mắt chọ ngoáy của mọi người.

 

Ngọc Bích

Theo Health24.com