1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thừa hơn 57.000 biên chế: Không phải chuyện nhiều hay ít

Theo chuyên gia, con số hơn 57.000 người không phải là con số lớn nhưng nó cho thấy cách quản lý của Việt Nam có vấn đề.

Báo cáo Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 của Chính phủ được trình bày tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/4 cho biết, kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước trong năm 2017 phát hiện thừa biên chế 57.175 người trong khu vực nhà nước.

Theo PGS.TS Ngô Thành Can, Phó trưởng khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia, có thể nhiều người nghe con số 57.000 thì thấy là lớn nhưng với ông, đây không phải con số lạ và nó nằm trong dự đoán.

Tuy nhiên, tệ hại hơn con số mà nhiều người nghĩ là cao này chính là nó cho thấy cách làm, cách thức quản lý của Việt Nam có vấn đề.

Để tinh giản biên chế thành công cần phải có quyết tâm và trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ. Ảnh minh họa
Để tinh giản biên chế thành công cần phải có quyết tâm và trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ. Ảnh minh họa

"Vì chúng ta không quản lý được con số này, sơ suất trong quản lý nên nảy sinh một loạt vấn đề về quản lý nhân sự kèm theo như lương bổng, các chính sách khác, ảnh hưởng đến đời sống cá nhân từng người khi đã ký hợp đồng. Đặc biệt, có những người làm đến 5-7 năm, có người làm đến 10 năm, do đó nó ảnh hưởng rất lớn đến cá nhân người lao động", PGS.TS Ngô Thành Can nhận xét.

Vị chuyên gia về hành chính công cho biết, hệ thống nhân sự của Việt Nam có đặc điểm riêng. Theo đó, các cơ quan nhà nước quản lý được giao một số biên chế và việc giao này dựa theo phép tịnh biên, tức căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ, công việc mà xác định một số biên chế nhất định trong một tổ chức.

Thông thường, số biên chế thực được các tổ chức sử dụng thấp hơn số được giao để thuận lợi trong công việc và tổ chức đó có được kinh phí để chi trả cho công việc thường xuyên.

Số này, khi Việt Nam có Luật Viên chức, các đơn vị sự nghiệp không gọi là biên chế mà gọi là số lượng viên chức. Số lượng viên chức này thường được cơ quan nhà nước, nếu ở chính phủ thì được bộ, ngành giao, nếu ở địa phương thì sau khi Bộ Nội vụ đã làm việc và giao biên chế rồi thì HĐND thống nhất giao.

Thế nhưng, một số đơn vị, đặc biệt những đơn vị sự nghiệp thường tuyển thêm một số nhân viên mới vào và đặc biệt là ký hợp đồng nên rất nhiều đơn vị lấy thừa người.

Ví dụ điển hình là huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk tuyển dư thừa hơn 500 giáo viên. Sau khi người ta đánh giá, thi tuyển, thấy thừa ra thiếu vào. Trước đây có người đã được ký hợp đồng dài hạn, sau ký lại hợp đồng 1 năm để sau này thi tuyển không được là bị loại.

Ngoài ra, có nhiều đơn vị sự nghiệp thừa đến hàng trăm biên chế. Dù họ được quyền lấy thêm nhưng không thể lấy vượt chỉ tiêu biên chế quá nhiều mà Nhà nước giao cho họ để thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, PGS.TS Ngô Thành Can cũng chỉ rõ, khi các nhà quản trị nhân sự tính số người trong biên chế giữa số người hiện thời và số người chuẩn bị vào, để đảm bảo công việc thuận lợi của các cơ quan thì theo quy định, cứ 2 người ra mới được lấy 1 người vào.

"Bao giờ các nhà quản trị cũng tính toán các con số: số người đã hết tuổi hàng năm, số người chuẩn bị xin ra, số người trục trặc sức khỏe hay vấn đề khác.

Đây là những con số ra khỏi công vụ, người ta cứ nói giảm bao nhiêu biên chế nhưng nhiều khi việc giảm ấy chỉ là con số tương đối, và có một bộ phận thuộc về những người nằm trong chế độ, chính sách", PGS Can chỉ rõ.

Nhắc đến mục tiêu được Chính phủ đặt ra là đến năm 2021, giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015, PGS.TS Ngô Thành Can cho hay, theo dự báo của một một số nhà kỹ thuật, con số này có thể đạt được nếu đảm bảo kỷ luật, kỷ cương trong vấn đề quản trị nhân sự dù trước đó một số nơi kêu khó, một số tỉnh thời gian qua giảm được rất ít và con số báo cáo chỉ trên 1%.

"Sắp xếp hoàn thiện bộ máy và tinh giản biên chế là vấn đề khó khăn, phức tạp và nhạy cảm bởi nó liên quan đến quyền lợi của nhiều tổ chức, cá nhân. Cũng vì lẽ đó mà thời gian qua ở Việt Nam xảy ra nghịch lý càng tinh giản, bộ máy càng phình to.

Nhưng nếu tiến hành cải cách triệt để, thu gom đầu mối trong bộ máy nhà nước, thu gom tất cả các đầu mối trong hệ thống chính trị nói chung và giảm những nhân sự là lãnh đạo, giảm đầu mối các đơn vị trực thuộc và tuân thủ 2 người ra, 1 người vào thì có thể thực hiện được mục tiêu trên.

Các nhà lý thuyết thường ước chừng theo con số vào, con số ra, con số di chuyển và đó không phải là con số ghê gớm, chỉ có điều như tôi đã nói ở trên, chúng ta phải làm rốt ráo, kiên quyết thực hiện kỷ cương, kỷ luật trong quản trị nhân sự.

Không thể để xảy ra tình trạng trên bảo, dưới không nghe, dưới giấu không báo cáo như ở một số địa phương thời gian qua. Ở một số đơn vị, rõ ràng là ở huyện tuyển mà tỉnh không hay biết, chỉ sau khi thanh tra tỉnh mới có ý kiến chỉ đạo.

Vì lẽ đó, để tinh giản biên chế thành công cần phải có quyết tâm và trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ, công chức, của lãnh đạo các cấp, các ngành", PGS.TS Ngô Thành Can nhấn mạnh.

Theo Thành Luân/Báo Đất Việt