1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

“Ông nghè, ông cống cũng nằm co”

Bức tranh việc làm của nước ta tiếp tục ảm đạm cho dù kinh tế đã khởi sắc trở lại từ cuối năm ngoái sau một thời gian dài tụt hậu vì suy thoái.

Tính đến cuối quý I/2016, cả nước có hơn 1 triệu người thất nghiệp; trong số này, tỉ lệ người có trình độ chuyên môn thiếu việc làm chiếm đến 41,1%, so với quý IV/2015 đã tăng thêm 20.700 người. Đáng chú ý là trong đội quân thất nghiệp đó có 191.000 người đạt trình độ đại học trở lên, gần 119.000 người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp... Những con số này gia tăng mỗi năm.

Đấy mới chỉ là số liệu thống kê từ các cơ quan quản lý, thực tế chắc chắn nhiều hơn. Chưa kể, số người không có việc làm thì thống kê được chứ còn số người làm không được việc thì đâu thể đếm hết. Cộng dồn lại, tổng số người thất nghiệp hoặc có nguy cơ thất nghiệp nhiều không thể tưởng!

Việc làm không sinh sôi nhưng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ cứ ra lò, hỏi sao không thất nghiệp! Cử nhân và thạc sĩ ngồi không nhiều như rạ nên rất đông trong số họ cố gắng… học lên tiến sĩ. Với 24.000 tiến sĩ hiện có và riêng Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam mỗi năm đã “cung ứng” 350 tiến sĩ, vài năm tới, không khéo nước ta sẽ… phổ cập trình độ tiến sĩ!

“Ông nghè, ông cống cũng nằm co” - 1

Tiến sĩ mà không có nơi đầu quân để hoặc nghiên cứu khoa học hoặc làm cán bộ quản lý thì đi dạy học. Giảng viên trình độ tiến sĩ ngày càng đông và sinh viên - học viên ngày càng nhiều, thế là đầu ra ngày càng hùng hậu.

Hãy nhìn vào phân khúc sư phạm thì rõ, cả nước đang thừa 70.000 giáo viên nhưng hoạt động đào tạo “kỹ sư tâm hồn” vẫn không ngưng nghỉ. Trời sinh voi mà không sinh cỏ, vòng luẩn quẩn dạy - học - thất nghiệp cứ thế mà xoay, xoay mãi, làm váng đầu cả những nhà quản lý và hoạch định chính sách giáo dục - đào tạo, còn đội ngũ lao động cổ xanh lẫn cổ trắng thì ngơ ngác, chẳng biết về đâu, làm gì…

Đã có đúc kết rằng thực trạng thất nghiệp hôm nay là hậu quả của chính sách đào tạo thả cửa từ 5-7 năm trước khi các bộ, các địa phương mặc sức mở trường và các trường tranh nhau mở ngành, dùng mọi cách để kéo người học về phía mình, bất chấp chất lượng đầu vào lẫn đầu ra. Nhiều lời cảnh báo cũng đã được gióng lên rất sớm nhưng không ai nghe. Bên đào tạo thì “… tiền thầy bỏ túi” còn bên “thụ hưởng giáo dục” chỉ biết phó mặc cho số phận.

Cũng theo thống kê mới nhất của các cơ quan quản lý, trong khi nhóm lao động có trình độ chuyên môn thất nghiệp quá nhiều thì nhóm lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật lại thất nghiệp rất ít: 1,75%. Vậy là Việt Nam cần thợ hơn thầy trong khi vẫn thừa thầy, thiếu thợ và tình cảnh này sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa vì hiện các trường nghề đang lâm vào cảnh bi đát do không có người học trong khi tuyệt đại đa số học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đều muốn vào đại học cho bằng được, nếu rớt thì cũng cố đi du học tự túc!

Ngày trước, Tú Xương đã mỉa mai “ông nghè, ông cống cũng nằm co”. Thời nào cũng vậy, đào tạo không song hành với tuyển dụng thì không “nằm co” mới lạ. Thất nghiệp nhiều sinh lắm hệ lụy cho xã hội. Trách ai bây giờ, nếu không phải là “cỗ máy cái” giáo dục trước tiên?!

Theo Báo Người lao động