1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Miền Trung - Tây Nguyên: “Đau đầu” với khởi kiện nợ bảo hiểm xã hội

Trong phạm vi các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên hiện nay nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) đang có khuynh hướng tăng mạnh, tỉnh nhỏ nợ ít, tỉnh lớn nợ nhiều... Điển hình là tại tỉnh Bình Định, con số nợ BHXH đã lên đến 230 tỉ đồng, tăng hơn 50 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2015.


Đại diện LĐLĐ TP. Đà Nẵng trao đổi với 15 công nhân trước giờ tham gia vụ kiện đòi quyền lợi BHXH cho NLĐ tại Toà án quận Cẩm Lệ (TP. Đà Nẵng).

Đại diện LĐLĐ TP. Đà Nẵng trao đổi với 15 công nhân trước giờ tham gia vụ kiện đòi quyền lợi BHXH cho NLĐ tại Toà án quận Cẩm Lệ (TP. Đà Nẵng).

Tuy vậy, trước sự thay đổi vị thế khởi kiện nợ BHXH từ cơ quan BHXH, theo Luật BHXH năm 2014, NLĐ và tổ chức công đoàn (CĐ) tỏ ra khá lúng túng…

Bó tay với con nợ “trọc đầu”

Trong bản danh sách trên, Công ty (Cty) CP 504 Bình Định sử dụng 42 lao động, nợ 76 tháng với số tiền gần 78,1 tỉ đồng, Cty TNHH Như Ý nợ 64 tháng - 480 triệu đồng, chi nhánh Cty TNHH MTV 508 tại miền Trung nợ 54 tháng - hơn 1,5 tỉ đồng... Không ít con nợ là những doanh nghiệp (DN) có quy mô lớn, lực lượng lao động nhiều như Cty CP kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt, Cty CP cảng Thị Nại, Cty TNHH MTV Mai Linh Bình Định…

Cá biệt có Cty CP Xây dựng 47 là thương hiệu lẫy lừng, từng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và quản lý một đội ngũ cán bộ, công nhân tới 1.749 người. Trưởng phòng Quản lý thu, BHXH Bình Định Huỳnh Đức Hùng cho biết: “Thời kỳ ăn nên làm ra, 47 là một trong những địa chỉ chấp hành nghiêm túc việc trích nộp BH. Tháng nào nộp tháng đấy. Năm 2015, doanh nghiệp thậm chí còn vay ngân hàng để trả nợ. Chỗ dựa ngân hàng nay không còn nữa, nợ BH phát sinh đến tháng thứ 5. Cty hiện “treo” nợ hơn 10,1 tỉ đồng”.

Theo Phó Giám đốc BHXH Bình Định Võ Năm, các giải pháp thu hồi nợ đọng như gia tăng sức ép, phối hợp với chính quyền, “bêu danh” qua truyền thông, báo chí... vẫn chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Quyết liệt nhất là khởi kiện ra tòa thì nay thuộc về NLĐ hoặc tổ chức CĐ, tuy vậy khả năng thi hành bản án không cao, do nhiều đối tượng “không còn... tóc mà nắm”. Trưởng phòng Quản lý thu Huỳnh Đức Hùng nêu hình ảnh “lờn thuốc” khi đề cập tình trạng bất lực trước nhiều món nợ khó đòi. “Số nợ ở các đơn vị bị khởi kiện, đã bỏ trốn hoặc phá sản đến cuối tháng 6.2016 của Bình Định là 36,6 tỉ đồng. “Nói chung là khá túng túng trong việc giải quyết với những trường hợp như vậy”, ông Hùng nhận xét.

Công đoàn khởi kiện có chọn lựa

Tại Bình Định, bằng con đường tố tụng, giai đoạn 2012 - 2015, cơ quan BHXH đã đưa 25 vụ việc ra tòa với tổng nợ tại thời điểm khởi kiện là 20,4 tỉ đồng. Đến đầu tháng 8.2016, nhóm nợ trên được xác định đã lên 25 tỉ đồng. Trong 15 vụ đã xét xử, số thu được từ thi hành án là không đáng kể.

Điều 14 Luật BHXH năm 2014 về quyền của tổ chức CĐ có quy định từ năm 2016, việc khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH do NLĐ hoặc tổ chức CĐ địa phương tiếp nhận. Trả lời báo Lao Động, Phó Chủ tịch phụ trách LĐLĐ Bình Định Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Tổng LĐLĐ Việt Nam đang chủ trương thí điểm khởi kiện đòi nợ BHXH tại một số địa phương. Mặc dù không phải là địa bàn được lựa chọn, Bình Định cũng đã sẵn sàng cho các hoạt động tố tụng vì lợi ích chính đáng của người lao động. Chúng tôi đang phối hợp với BHXH tỉnh để tiếp nhận, nghiên cứu hồ sơ. Tất nhiên, sẽ có điều chỉnh trong cách làm, cách lựa chọn đối tượng khởi kiện. Trước mắt, chúng tôi ưu tiên xử lý mạnh tay với nhóm đối tượng có số nợ lớn, đặc biệt là với những đơn vị còn có khả năng thu hồi được nợ”.

Tổng LĐLĐVN đã khá chủ động trong việc tiếp nhận “sứ mệnh” này. Liên tiếp nhiều tháng qua, Ban Chính sách pháp luật TLĐ đã ban hành hướng dẫn và mở nhiều lớp tập huấn cho LĐLĐ các địa phương quy trình khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ án tranh chấp lao động, quyền lợi BHXH… Tuy vậy đây là một vấn đề được cho là nan giải đối với Tổ chức CĐ địa phương. Ví dụ vụ Công ty Kimono Japan (KJ) tại Lâm Đồng nợ lương, BHXH của người lao động từ nhiều năm nay lên đến hàng tỉ đồng. LĐLĐ huyện Bảo Lộc (Lâm Đồng) chỉ làm được động tác hoà giải, sau nhiều lần và… bế tắc.

Chị L.T. Minh, công nhân KJ cho biết, chúng tôi làm đầu tắt mặt tối, lấy thời gian đâu để khởi kiện... Cán bộ chính sách pháp luật tại một LĐLĐ miền Trung cho hay, Nợ BHXH càng ngày càng lớn, số cơ quan nợ mỗi ngày phát sinh nhiều hơn! Nhưng hơn hết là phải có thời gian xem xét hết các khía cạnh pháp lý thì mới dám khởi kiện. Vì vậy trước mắt sẽ phân nhóm để khởi kiện”.

Hiện chỉ có LĐLĐ Đà Nẵng thành lập được Câu lạc bộ luật sư CĐ để thay mặt tổ chức CĐ hay NLĐ khởi kiện các vụ án lao động, BHXH… Tuy vậy, kinh phí để chi phí cho các vụ kiện ra toà hiện đang là vấn đề đau đầu của các LĐLĐ địa phương, nên từ đầu năm đến nay, ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, chưa một vụ án lao động nào được tổ chức CĐ đứng ra khởi kiện.

Theo Báo Lao động