“Lối thoát” cho đào tạo nghề

Mặc dù các trường đào tạo nghề, các cơ sở dạy nghề ở nước ta được đầu tư phát triển sâu rộng, nhưng số người học nghề hàng năm vẫn khá èo uột, học sinh ra trường lâm vào cảnh “sống dở chết dở” do không tìm được việc làm. Vậy đâu là rào cản và “lối thoát” cho đào tạo nghề ở Việt Nam?

Chất lượng thấp

Chất lượng thấp


Theo con số thống kê của Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), hiện nay nước ta có 170 trường cao đẳng nghề, 342 trường trung cấp nghề và 870 trung tâm dạy nghề. Hệ thống trường nghề phát triển sâu rộng trong cả nước, tuy nhiên chất lượng đào tạo chưa tương xứng.

Ông Phạm Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng dạy nghề (Tổng cục Dạy nghề) thừa nhận: Điểm nghẽn của hệ thống trường nghề của nước ta hiện nay là chất lượng đào tạo của các trường. Hiện mới có 30 trường áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 1901:2008, nhiều trường đã xây dựng xong nhưng không áp dụng.

Trong quản lý, chính đội ngũ ban giám hiệu các trường còn nặng tư duy bao cấp, không sáng tạo. Vì vậy, chất lượng đào tạo thấp, học sinh ra trường không tìm được việc làm do không đáp ứng được yêu cầu của chủ sử dụng lao động.

Kết quả khảo sát thực tế tại 9 trường nghề Việt Nam được đưa ra tại Hội thảo “Vai trò của Hội đồng Kỹ năng ngành trong việc phát triển kỹ năng theo nhu cầu sử dụng lao động” do Hội đồng Anh phối hợp cùng Tổng cục Dạy nghề tổ chức mới đây cho thấy, các trường nghề được khảo sát có quy trình đào tạo nghề chưa đồng bộ, người học chưa được đặt ở vị trí trung tâm. Giáo viên tại các trường nghề được khảo sát gặp khó khăn trong việc cập nhật kỹ năng mới trong các ngành nghề, thậm chí có giáo viên được tuyển dụng chưa có kinh nghiệm làm việc trong ngành họ giảng dạy.

Khảo sát cụ thể tại 3 trường cao đẳng nghề của Việt Nam là Cao đẳng Nghề Du lịch Huế, Cao đẳng Nghề Nha Trang, Cao đẳng Nghề Đà Lạt do đại diện của 3 trường cao đẳng đến từ Anh là Trường Cao đẳng Y Cymoedd, Trường Cao đẳng West College Scotland và Highbury cho kết quả không khả quan: Không có trường nào trong 3 trường khảo sát lấy học sinh làm trung tâm, sinh viên thụ động trong quá trình học; các trường chỉ tập trung vào kết quả thi và điểm số hơn là năng lực; không có hệ thống đánh giá ngang hàng chính thức; ít có sự tham gia của doanh nghiệp… Các chuyên gia chỉ rõ, đây chính là những điểm yếu trong đào tạo của các trường nghề Việt Nam.

Coi trọng 2 chữ “địa phương”

Từ thực tế trên, các chuyên gia đến từ Anh đã chia sẻ kinh nghiệm mang đến một góc nhìn khác về tương lai đào tạo nghề cho Việt Nam. Các chuyên gia đều nhấn mạnh đến chữ “địa phương” trong đào tạo nghề.

Bà Elaine Rees, đại diện Trường Cao đẳng Y Cymoedd nhấn mạnh, tầm quan trọng của mối quan hệ giữa các trường nghề với doanh nghiệp địa phương. Tăng cường mối quan hệ với các doanh nghiệp địa phương sẽ giúp doanh nghiệp đó phát triển và tạo ra công ăn việc làm tại chỗ cho công nhân tại địa phương. Đây cũng là một điểm nhấn thú vị đánh trúng vào một trong những mục tiêu và vấn đề lớn trong lao động và việc làm tại Việt Nam.

Để liên kết đạt hiệu quả bà Elaine Rees chia sẻ: Trường có đại diện của doanh nghiệp ngồi trong ban lãnh đạo, nói lên nhu cầu của doanh nghiệp khi đánh giá chất lượng đào tạo và điều chỉnh chương trình giảng dạy. Trường cũng có hai vị trí nhân sự đặc biệt là chuyên viên phụ trách doanh nghiệp và chuyên viên phụ trách cơ hội thực tập cho sinh viên.

 Đây sẽ là những người giữ mối liên hệ mật thiết với các doanh nghiệp để ghi nhận những nhu cầu về tay nghề của doanh nghiệp, đánh giá về kỹ năng của sinh viên thực tập và nắm bắt cơ hội thực tập cho sinh viên. Vấn đề mấu chốt với các trường nghề là phải biết được doanh nghiệp địa phương đang cần gì để đào tạo, bên cạnh đó cần cập nhật các công nghệ mới nhất để “đón đầu” nhu cầu của doanh nghiệp.

Trường Cao đẳng West College Scotland chia sẻ một kinh nghiệm khác. Đại diện nhà trường cho biết, để phát triển các trường nghề đúng hướng cần có mô hình giảng viên phát triển chuyên môn - đây là người có trách nhiệm khuyến khích chia sẻ chuyên môn giữa các giảng viên trong trường và hỗ trợ nâng cao chuyên ngành cho đội ngũ giảng dạy. Ngoài ra, trường còn có điều phối sinh viên với vai trò lựa chọn và tập huấn cho đại diện của mỗi lớp học để từ những đại diện này, phản hồi của sinh viên được ghi nhận đầy đủ và hệ thống nhất.

Chia sẻ về hướng phát triển của các trường nghề của Việt Nam trong thời gian tới, ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề khẳng định, vấn đề tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp địa phương và các trường nghề cũng chính là mục tiêu của đào tạo nghề mà Việt Nam hướng tới. Những kinh nghiệm về mô hình giảng viên phát triển chuyên môn, điều phối sinh viên sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện kế hoạch đào tạo nghề trong giai đoạn mới.

Theo Báo Thanh tra