Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu sẽ được thông qua trong năm 2019

(Dân trí) - Dự án Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua trong năm 2019. Trong đó, nội dung tuổi nghỉ hưu sẽ được quan tâm nhiều nhất bởi tác động tới hàng chục triệu người lao động, với quy định tăng thêm bao nhiêu? Lộ trình tăng như thế nào?...

Chiều 8/6, tại Hà Nội, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình năm 2018.

Về lĩnh vực lao động việc làm, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến về dự án Bộ luật Lao động sửa đổi vào kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019). Đồng thời, tại kỳ họp thứ 8 (9/2019), Quốc hội sẽ xem xét thông qua Bộ Luật lao động sửa đổi.

Trước đó, Nghị quyết Trung ương 7, Khoá 12 vừa qua đã thông qua Đề án về cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội. Trong đó, thời gian điều chỉnh tuổi hưu sẽ được bắt đầu từ năm 2021.

Đây chính là mốc thời gian để cơ quan chuyên môn cụ thể hoá việc xây dựng lộ trình tăng tuổi hưu.

Được biết, Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu và tham mưu về lộ trình điều chỉnh tuổi hưu.

Trên cơ sở đó, Bộ LĐ-TB&XH đang dự kiến xây dựng đề xuất lộ trình điều chỉnh tuổi hưu theo hướng tăng. Cụ thể, từ năm 2021, quy định tuổi nghỉ hưu của lao động sẽ bắt đầu tăng theo lộ trình mỗi năm thêm 3 tháng. Việc tăng này nhằm đảm bảo nâng tuổi nghỉ hưu của nam từ 60 (hiện nay) lên 62 và nữ từ 55 (hiện nay) lên 60.

Theo lộ trình tăng như trên, lao động nam cần 8 năm và lao động nữ cần 20 năm mới lần lượt nghỉ hưu ở tuổi 62 và 60.

Tuy nhiên, theo Bộ LĐ-TB&XH, việc điều chỉnh tuổi hưu sẽ được tính toán để không xảy ra phương án “cào bằng”: Không phải tất cả lao động ở các ngành nghề, lĩnh vực cùng phải nghỉ hưu ở tuổi 60 với nữ và 62 tuổi với nam giới.

Theo đó, ở những ngành nghề đặc biệt, người lao động có thể nghỉ hưu sớm hơn hoặc muộn hơn 5 năm.

Trao đổi với báo giới về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: “Người lao động làm việc ở những ngành nghề có chuyên môn cao như: Công việc của các bác sĩ hoặc thầy thuốc giỏi, các nhà khoa học có nhiều đóng góp, các công việc có chuyên môn cao tại toà án hoặc viện kiểm sát. Thậm chí, những lao động nữ có chuyên môn cao như giáo sư, bác sĩ, các nhà quản lý giỏi cũng có thể nghỉ hưu ở tuổi 65…”.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, người lao động làm việc ở 8 ngành nghề độc hại theo quy định hiện nay có thể rút ngắn tuổi hưu tới 5 năm.

Đồng thời, việc điều chỉnh cục bộ vẫn có thể được tính tới.

“Từ nay tới năm 2021, khi Bộ Luật Lao động và các luật liên quan được cụ thể hoá, chúng ta vẫn có thể điều chỉnh tuổi nghỉ hưu “cục bộ” ở một số nhóm đối tượng đặc thù theo Khoản 3 Điều 187 Luật Lao động năm 2012” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Hoàng Mạnh