1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Vụ lao động Việt bị ngược đãi tại Saudi Arabia:

Lao động Bùi Thị Nhật sẽ về nước trong 2 tuần tới

(Dân trí) - Sau khi Báo điện tử Dân trí đưa tin về trường hợp lao động Bùi Thị Nhật (huyện Hưng Hà, Thái Bình) đi xuất khẩu lao động tại Saudi Arabia bị ngược đãi, nợ lương và bỏ đói. Thông tin mới cập nhật là bà Bùi Thị Nhật sẽ được về nước trong khoảng 2 tuần tới.


Trụ sở Trung tâm đào tạo, Công ty Cổ phần Nguồn nhân lực và Phát triển kinh tế hợp tác.

Trụ sở Trung tâm đào tạo, Công ty Cổ phần Nguồn nhân lực và Phát triển kinh tế hợp tác.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), ngay sau khi thông tin từ gia đình lao động Bùi Thị Nhật phản ánh người thân bị ngược đãi, bỏ đói tại Saudi Arabia, Cục Quản lý lao động đã yêu cầu Công ty cổ phần nguồn nhân lực và phát triển kinh tế hợp tác (Lapcoop.,JSC), Chi nhánh Hùng Vương, Trung tâm đào tạo GTS Group - đơn vị phái cử lao động Bùi Thị Nhật đi làm việc tại Saudi Arabia - giải trình cụ thể.

“Theo đó, công ty Lapcoop và Chi nhánh Hùng vương đã làm việc trực tiếp với môi giới, chủ sử dụng lao động để thống nhất mức bồi thường. Chủ sử dụng đã thống nhất mức bồi thường và đồng ý làm Exit Visa cho lao động về nước” - bà Vân Hà, Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) trao đổi với PV Dân trí.

Công ty Lapcoop đã gửi kèm mã vé máy bay chuyến về của lao động Bùi Thị Nhật tới Cục quản lý lao động ngoài nước để xác nhận.

“Sẽ rà soát lại hoạt động của các doanh nghiệp XKLĐ thị trường Saudi Arabia”

Đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp khi nói về tình trạng nhiều lao động Việt Nam tham gia XKLĐ nhưng rốt cuộc phải sống ở trại tị nạn Saudi Arabia thời gian qua. Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng các doanh nghiệp XKLĐ Việt Nam chưa tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để cùng xử lý các trường hợp rủi ro của người lao động.

Trong một diễn biến khác, PV Dân trí đã trao đổi với bà Lê Thu Hà, Quản lý Trung tâm đào tạo, Chi nhánh Hùng Vương, Công ty Lapcoop.

Bà Lê Thu Hà xác nhận thông tin phía Lapcoop đã chi tiền để mua vé máy bay đưa lao động Bùi Thi Nhật về nước. Dự kiến, lao động sẽ về nước trong 2 tuần tới.

“Tới thời điểm hiện nay, phía công ty đã đàm phán xong việc bồi thường với chủ sử dụng. Sự việc với chủ sử dụng đã giải quyết xong. Công ty xin giữ kín mức bồi thường” - bà Lê Thu Hà xác nhận.


Gia đình lao động Bùi Thị Nhật ngóng chờ người thân từng ngày.

Gia đình lao động Bùi Thị Nhật ngóng chờ người thân từng ngày.

Về tiền lương tính theo ngày công của lao động Bùi Thị Nhật, bà Lê Thu Hà cho biết: Phía chủ sử dụng lao động cam kết sẽ thanh toán đầy đủ với người lao động. Việc này sẽ được lao động Bùi Thị Nhật xác nhận lại khi về nước.

Bà Lê Thu Hà cho biết: Chương trình đưa lao động Bùi Thị Nhật đi là mang tính miễn phí từ phía người lao động. Thậm chí công ty còn hỗ trợ 1/2 tháng lương cho lao động trước khi xuất cảnh.

Trong sáng 19/8, tại Thái Bình, PV Dân trí đã liên hệ được với anh Phạm Văn Long, con trai thứ 2 của bà Bùi Thị Nhật. Anh Phạm Văn Long xác nhận việc gia đình chưa nhận được thông tin chính thức về việc mẹ mình sẽ về nước trong khoảng 2 tuần nữa. “Hiện giờ, mong mỏi lớn nhất của gia đình là được đón mẹ lành lặn trở về nhà. Chúng tôi không có nguyện vọng để mẹ phải đi XKLĐ một lần nữa” - anh Phạm Văn Long nghẹn ngào.

Trả lời câu hỏi, khi mới xảy ra sự việc, Chi nhánh có yêu cầu gia đình lao động phải chi 20 triệu đồng để mua vé cho bà Bùi Thị Nhật. Bà Lê Thu Hà giải thích: “Đó là thời gian đầu. Công ty đưa ra 2 lựa chọn cho cô Nhật là đổi chủ lao động mới hoặc về nước. cô Nhật chọn phương án về nước. Khi đó cách nhanh nhất là gia đình tự ứng tiền để mua vé cho lao động về”.

Bà Lê Thu Hà cho biết thêm: “Tới thời điểm hiện nay, công ty đã bỏ kinh phí để mua vé cho cô Nhật về nước. Việc quan trọng nhất hiện nay là đảm bảo đưa được lao động về nước an toàn. Còn sau đó, các bên sẽ ngồi lại với nhau để xác định mức độ đúng sai cụ thể”.

Liên quan tới việc thông tin tới gia đình lao động Bùi Thị Nhật, bà Lê Thu Hà xác nhận việc có liên hệ để trao đổi sự việc. “Tuy nhiên thời gian gần đây, chúng tôi không thể liên hệ qua điện thoại được với gia đình lao động được”.

Tin vắn:

Thông tư hướng dẫn chính sách với quân nhân phục viên và xuất ngũ

Bộ Quốc phòng vừa ban hành Thông tư 95/2016/TT-BQP hướng dẫn thực hiện Nghị định số 27/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ.

Thông tư 95/2016/TT-BQP quy định rõ về thanh toán bằng tiền đối với những ngày không thể giải quyết cho nghỉ phép quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 27/2016/NĐ-CP. Theo đó, hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ đủ điều kiện được nghỉ phép năm theo quy định nhưng do yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu hoặc ở những nơi điều kiện đi lại khó khăn không thể giải quyết cho nghỉ phép thì được thanh toán chế độ nghỉ phép như sau:

Mức tiền thanh toán cho một ngày không nghỉ phép bằng mức tiền ăn cơ bản một ngày của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh theo quy định tại thời điểm không nghỉ phép; số ngày được thanh toán cao nhất của mỗi hạ sĩ quan, binh sĩ là 10 ngày. Không được thanh toán tiền tàu, xe, tiền phụ cấp đi đường và thời gian được tính là ngày đi đường.

Về thời gian hưởng chế độ: Thời gian hưởng chế độ miễn học phí đối với con của hạ sĩ quan, binh sĩ được tính trong khoảng thời gian từ ngày cấp giấy chứng nhận đến hết thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ.

Với trường hợp trong thời gian tại ngũ, nếu phát sinh đối tượng được hưởng chế độ miễn học phí thì hạ sĩ quan, binh sĩ lập bản khai bổ sung; thời gian hưởng chế độ tương ứng với thời gian tại ngũ còn lại của hạ sĩ quan, binh sĩ...

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 15/8/2016. Các chế độ chính sách quy định được thực hiện từ 1/1/2016.

L.Đ

Hoàng Mạnh - Đức Văn