1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Giữa lương tâm và công việc

Bạn nghĩ gì khi xem chùm hình ảnh sau? Một tai nạn xui xẻo? Chắc là lại vấp phải ổ gà rồi. Và đã có nhiều ý kiến, cách nhìn xung quanh tai nạn này.

 

 

 

 

Giữa lương tâm và công việc - 1

Giữa lương tâm và công việc - 2

 

Ý kiến độc giả: Chê nhiều hơn khen

 

Tai nạn xảy ra vào chiều ngày 9 tháng 5 tại Hạ Môn (Trung Quốc). Chiều hôm đó mưa rất to và người đàn ông trong ảnh khi băng qua giao lộ ngập nước, do không thấy được ổ gà nên té ngã. Vấn đề mà phần lớn bạn đọc (trên mạng) phê phán là phóng viên chụp chùm ảnh này “thiếu đạo đức lương tâm” khi “biết trước nơi đó có ổ gà nhưng không làm gì để ngăn chặn tai nạn xảy ra”. Họ cho rằng đây chẳng khác nào “ôm cây đợi thỏ”, thật đáng xấu hổ.

 

Nhưng chê thì cũng có khen. “Xem ra mặt đường cần phải sửa chữa, phóng viên đã phản ánh rất kịp thời”, “phóng viên vẫn là phóng viên, nghề của anh là chụp ảnh, ghi lại sự kiện, phản ánh sự việc. Nếu anh cảnh báo trước cho người đàn ông đó, sự kiện không xảy ra, anh không thể đăng bài phản ánh, lúc đó thì anh chẳng còn là phóng viên nữa”. Có bạn đọc lại cho rằng “xem ra các cơ quan chức năng của thành phố mới đáng bị chê trách”.

 

Cảm nghĩ của phóng viên: cảm thấy oan ức

 

Tác giả chùm ảnh này tên LiuTao (Liễu Đào), phóng viên báo điện tử ShuJia. Khi nhận được điện thoại của phóng viên báo Thanh Niên Bắc Kinh (Trung Quốc), LiuTao vẫn không hay là chùm ảnh của mình đang là đề tài nóng trên mạng. Anh trả lời: “Tôi vừa ra đó (nơi xảy ra tai nạn), mặt đường đã được lấp nhưng không chắc, xem ra chỉ một trận mưa là lại trở thành ổ gà ngay”.

 

Anh kể lại quá trình chụp ảnh: “Chiều hôm đó mưa rất to, gió lớn. Khi tôi vác máy đi đến đoạn đường đó thì có người hỏi tôi phải là phóng viên không. Tôi trả lời phải và người dân này bảo “phía trước có cái ổ gà, đã có người vấp ngã rồi, nhà báo mấy anh xem phản ánh giúp”. Thế là tôi cùng người dân này đến cái ổ gà đó, chỉ toàn là nước, rất khó mới thấy được ổ gà. Theo bản năng của phóng viên, tôi lấy máy ra và ngồi đợi. Cuối cùng có người đàn ông đạp xe qua vấp ngã và tôi bèn chụp lại”.

 

Đối với lời chỉ trích “ôm cây đợi thỏ” của một số độc giả, LiuTao cảm thấy hơi oan. Anh nói: “Nghề chụp ảnh này thật sự rất khó. Tôi ngồi đợi gần cả tiếng đồng hồ để chụp được chùm ảnh đó. Nếu không đợi được, tôi sẽ không chụp được cái ổ gà đó và nếu thế, mặt đường không được lấp, rồi lại có nhiều người vấp ngã hơn. Sau khi chụp xong, tôi đến mượn các công nhân gần đó cái bảng nhỏ đặt ở đó (ổ gà) để cảnh báo mọi người”.

 

Người trong nghề: Khó giữ được cân bằng…

 

LiuTao đã là một phóng viên trung thực khi phản ánh đúng sự việc nhưng anh lại vấp phải lời chỉ trích “thiếu đạo đức lương tâm”. Vào thời điểm quan trọng, làm thế nào để tìm ra điểm cân bằng giữa đạo đức và trách nhiệm, công việc truyền tải tin tức? Thật không dễ chút nào.

 

Viện trưởng học viện Truyền tải tin tức, học viện Chính trị Thanh niên Trung Quốc Triển Giang cho rằng rất khó để cân bằng 2 yếu tố này: “Vì người dân thường ít chú ý tới những sự việc thường xảy ra nên nếu chỉ chụp mỗi cái ổ gà đó thì khó để mọi người cảm thấy nơi đó rất nguy hiểm.

 

Để thu hút bạn đọc thì cần có những tấm ảnh có sức tác động lớn. Những tấm ảnh này ở đâu ra? Đương nhiên không thể “bày” ra, mà cần chờ đợi. Nhưng việc chờ đợi sự kiện phát sinh và chụp ảnh lại làm tổn thương, suy giảm hình tượng phóng viên trong lòng bạn đọc. Thật khó để giữ thăng bằng cho 2 yếu tố này. Nhưng điều quan trọng chính là ở chỗ phóng viên phải là một người quan sát trung thực”.

 

Vấn đề thật không mới nhưng cũng đáng để chúng ta suy nghĩ: Làm sao để giữ thăng bằng giữa đạo đức và nhiệm vụ nghề nghiệp?

 

Khánh Đình
Lược dịch theo Thanh Niên Bắc Kinh
Tuổi Trẻ