1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hỗ trợ lao động hậu Covid-19:

Để người lao động đỡ thấy chơi vơi nơi quê nhà

Đặng Dương

(Dân trí) - Bên cạnh chính sách "nóng" hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do Covid-19, Đắk Nông xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhiệm vụ thiết yếu để ổn định việc làm và cuộc sống người lao động.

Chuẩn hóa "thợ"

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông, đến hết năm 2020, địa phương có 383.088 người số người trong độ tuổi lao động, chiếm 59,82% tổng dân số.

Trong giai đoạn 2011-2020, có 19 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đơn vị chức năng của tỉnh tham gia đào tạo nghề đã phối hợp tổ chức đào tạo cho hơn 34.000 lao động nông thôn. Số lao động được tạo việc làm mới và việc làm tăng thêm trong giai đoạn này là gần 91.000 lượt người.

Người lao động và người sử dụng lao động ngày càng quan tâm đến việc chuẩn hóa và nâng cao trình độ, góp phần ổn định việc làm, nâng cao thu nhập.

Để người lao động đỡ  thấy chơi vơi nơi quê nhà - 1

Người lao động tại Công ty Nhôm Đắk Nông từng bước được chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu của ngành sản xuất đặc thù (Ảnh: Minh Tiệp).

Ông Trần Hữu Hợi, Phó Trưởng phòng Tổ chức - Nhân sự, Công ty Nhôm Đắk Nông, Tập đoàn Than-Khoáng sản VN (TKV) cho rằng, nguồn cung lao động tại địa phương khá lớn, đáp ứng được nhu cầu nhân lực của công ty. Theo từng năm, chất lượng, trình độ chuyên môn của người lao động cũng được nâng cao rõ rệt, phù hợp với ngành nghề khai thác khoáng sản.

"Hiện tại đơn vị có hơn 1.100 lao động đang làm việc tại các bộ phận, phân xưởng. Nhiều người trong số này là lao động địa phương, được "đặt hàng" đào tạo, có trình độ từ sơ cấp trở lên. Hàng năm, công ty liên tục tổ chức các cuộc thi thợ giỏi, bồi dưỡng giữ bậc, nâng bậc thợ để đáp ứng yêu cầu sản xuất ngày càng hiện đại", ông Hợi cho hay.

Trong khi đó, ông Chung Văn Phong, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Phương Nam (Đắk Nông) cho rằng, trước đòi hỏi về nguồn nhân lực có chất lượng, đơn vị đã trực tiếp đào tạo nghề cho các học viên có trình độ từ sơ cấp trở lên.

Sau khi đào tạo, những học viên này sẽ bổ sung vào nguồn lao động có trình độ, tay nghề của thị trường lao động tại địa phương. Một phần khác, người lao động sẽ được nhà trường liên kết, giới thiệu đi làm việc tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh với thu nhập ổn định.

Mục tiêu thêm 90.000 việc làm mới

Hiện nay, đào tạo nghề và giải quyết việc làm được các địa phương coi là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế- xã hội. Minh chứng rõ nhất là nhiều Đảng bộ tại Đắk Nông đã đưa nhiệm vụ này vào nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội.

Để người lao động đỡ  thấy chơi vơi nơi quê nhà - 2

Đào tạo nghề và giải quyết việc làm đang được các địa phương đặc biệt quan tâm.

Ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động là khoảng 70% tổng số dân của huyện, đa phần là lao động trẻ.

"Vấn đề đào tạo nghề và giải quyết việc làm được huyện đặc biệt quan tâm, thể hiện rõ nét nhất trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025. Địa phương sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để lao động có việc làm ổn định, nâng cao năng suất, góp phần giảm nghèo bền vững", ông Đoàn Văn Phương chia sẻ thêm.

Tương tự, thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Đắk Nông, nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết số 110/NQ-HĐND ngày 11/12/2020 của HĐND tỉnh Đắk Nông, ngày 2/3/2021, UBND tỉnh Đắk Nông cũng ban hành Kế hoạch thực hiện công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm giai đoạn 2021-2025.

Đắk Nông đặt mục tiêu tạo việc làm mới và việc làm tăng thêm cho trên 90.000 lượt người, trong đó, tạo việc làm cho đồng bào dân thiểu số chiếm khoảng 30% so với tổng số lao động được tạo việc làm.

Bên cạnh đó, Đắk Nông cũng phấn đấu đào tạo nghề cho trên 20.000 người; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 45% năm 2020 lên 57,5% năm 2025.

Để người lao động đỡ  thấy chơi vơi nơi quê nhà - 3

Sở LĐ-TB &XH tỉnh Đắk Nông sẽ sớm có phương án đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Nông, tình trạng thiếu việc làm vẫn gia tăng, công việc và thu nhập của người lao động thiếu sự ổn định; lao động ra ngoài tỉnh tìm việc làm còn cao, chất lượng nguồn nhân lực thấp; khả năng giải quyết việc làm chưa đáp ứng được yêu cầu… vẫn đặt ra nhiều thách thức cho tỉnh.

Trong giai đoạn tới, để việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động đạt hiệu quả cao nhất, đòi hỏi công tác dự báo và kết nối cung - cầu phải nhanh chóng, chính xác nhất.

Hiện nay, để từng bước hiện thực hóa các mục tiêu mà tỉnh Đắk Nông đặt ra, đồng thời để ổn định đời sống người lao động bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Nông sẽ sớm có phương án trình UBND tỉnh Đắk Nông về kế hoạch đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly.