1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Có thể đưa nghề “ôsin” vào luật?

Trên thế giới, giúp việc được xem là một nghề và được đưa vào luật thì ở nước ta giúp việc chưa được cụ thể hóa thành luật.

Trong khi nhu cầu người giúp việc liên tục tăng, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh nhưng đa số là sự phát triển tự phát chứ chưa mang tính chuyên nghiệp.

 

Nghề tự phát

 

Dù chưa được công nhận là nghề chính thức, nhưng hiện ở TP Hồ Chí Minh có hơn 10 trung tâm giới thiệu việc làm và doanh nghiệp tư nhân chuyên cung ứng người giúp việc nhà đã qua đào tạo cơ bản. Tuy nhiên, trên thực tế, giúp việc chủ yếu là nghề phát triển một cách tự phát nhiều hơn.

 

Sau tết âm lịch đến giờ, người giúp việc cho gia đình chị Lan ở phường 24, quận Bình Thạnh, TP HCM chưa lên làm việc như đã hứa. Trong khi việc nhà của chị từ trước đều phụ thuộc vào người giúp việc nên khi vắng người giúp việc chị Lan rất vất vả để xoay sở vừa việc nhà vừa việc cơ quan.

 

“Gia đình tôi thường xuyên thuê người giúp việc, có nhiều người làm tốt nhưng nhiều khi họ cũng xin về quê có việc nhà như người thân ốm đau bệnh tật hay có chuyện cưới xin, rồi có người đi mà không quay trở lại” - chị Lan cho biết thêm.
 
Có thể đưa nghề “ôsin” vào luật?

 

Hay trường hợp chị Mai ở quận Gò Vấp thì than rằng: “Đáng lẽ tôi đi làm cách đây 4 tháng nhưng phải xin nghỉ để ở nhà trông con”. Lý do mà chị đưa ra là do chưa tìm được người giúp việc ưng ý: “Tôi cũng từng thuê người giúp việc nhà, về kỹ năng làm việc nhà thì tôi an tâm nhưng để họ trông con thì tôi chưa an tâm. Tôi rất lo lắng không biết đến bao giờ tìm được người giúp việc phù hợp với công việc gia đình tôi”.

 

Việc người giúp việc tự ý bỏ việc hay không có kỹ năng trông trẻ chỉ là hai trong số rất nhiều nguyên nhân, ấn tượng không đẹp mà người giúp việc để lại trong suy nghĩ của nhiều gia đình. Ngoài ra, người giúp việc trộm cắp tài sản, chểnh mảng trong công việc, gian dối, hay thường xuyên nhảy việc, hoặc biết điểm yếu của gia chủ rất cần người nên đòi tăng lương vô cớ cũng không phải là những trường hợp hiếm gặp.

 

Hiện nay đa số người giúp việc từ nông thôn lên thành thị nên tính kỷ luật trong lao động chưa cao. Họ làm nhưng nếu có xích mích với chủ nhà thì nhiều người sẽ xin nghỉ hoặc tự ý nghỉ. Và như thế gây nhiều khó khăn cho gia chủ trong việc đột ngột phải tìm người thay thế.

 

Vấn đề được đặt ra là thị trường người giúp việc hiện nay chưa được chuyên nghiệp, vậy gia chủ thuê người giúp việc sẽ qua những kênh nào. Theo một nghiên cứu về vấn đề này thì đa số các gia đình thuê thông qua bạn bè là 72%, thông qua đồng nghiệp chiếm 35% và 26% là thông qua kênh dịch vụ.

 

Người giúp việc thường sống chung với gia đình người thuê nhưng theo một khảo sát cho thấy là gần 40% người sử dụng người giúp việc là không tin họ, 53,7% là bình thường, tin tưởng hoàn toàn là 1,4%, tin tưởng 5,7%. Qua đó cho ta thấy rằng, tìm người giúp việc qua bạn bè, người quen truyền miệng là kênh không chính thống vẫn chiếm tỉ lệ cao hơn là thông qua các kênh thông tin chuyên nghiệp hay những đơn vị dịch vụ việc làm.

 

Trong nghề này, bên cạnh niềm tin thì chất lượng có thể là một trong những nhân tố mà giúp việc chưa được xem là một nghề trong xã hội. GS.TS Lê Thị Quý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới & Phát triển cho rằng, công tác quản lý nghề giúp việc ở nước ta hiện đang bị thả nổi. Bản thân người giúp việc chưa hiểu nhiều về công việc của mình cũng như chưa được đào tạo bài bản. Tôi được biết là ở miền Nam sự đào tạo người giúp việc tốt hơn ở miền Bắc. Ngoài những kỹ năng cần có thì người giúp việc còn phải hiểu về gia đình gia chủ, về đối tượng mình cần phục vụ. Ngược lại, gia chủ cũng phải biết về người mình đang thuê như hoàn cảnh sống của họ để có thể chia sẻ lẫn nhau.

 

Nên sớm đưa vào luật

 

Trao đổi xung quanh vấn đề này, GS.TS Lê Thị Quý cho biết: “Tôi nghĩ đây là một nghề. Công việc nội trợ trước đây và hiện nay là công việc của người phụ nữ trong gia đình; lao động không công rất vất vả như sinh đẻ, chăm sóc gia đình, con cái, làm việc nhà mà không được trả công. Còn thuê người giúp việc thì phải trả công. Từ không trả công sang phải trả công là một nghề chính thức rồi. Nghề này đã xuất hiện trên thế giới lâu rồi. Còn ở nước ta, từ xưa, những nhà giàu đều có người giúp việc nhưng theo quan hệ chủ - tớ. Ngày nay tất cả những gia đình bình thường đều có nhu cầu người giúp việc… nhất là phụ nữ đang có con nhỏ thì không thể gánh hai vai quá nặng vừa việc nhà vừa việc cơ quan”.

 

Cũng có nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm của GS.TS Lê Thị Quý nên coi giúp việc là một nghề. Mặc khác, khi giúp việc được xem là một nghề thì sẽ giải quyết vấn đề việc làm cho rất nhiều phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn gặp khó khăn trong kinh tế. Đa số họ sẽ di cư ra các thành phố lớn để xin làm giúp việc. Ngoài ra, phụ nữ Việt Nam làm giúp việc còn được xuất khẩu sang nhiều nước và có thu nhập khá so với mức thu nhập trong nước. Nhưng trên thực tế đang tồn tại một nghịch lý là nhiều chị em đi làm công chức lương thấp nhưng phải trả người giúp việc lương cao nhưng cũng đành trả để làm việc cơ quan. Phấn đấu cho công việc lâu dài của mình sau này.

 

GS.TS Lê Thị Quý còn chia sẻ là khi bà sang nước Mỹ thấy rằng, mô hình giúp việc nhà của họ khá hay. Hai vợ chồng chủ nhà đi làm, khóa cửa lại; người giúp việc đến mở cửa, làm xong thì khóa cửa và ra về. Họ có luật pháp bảo vệ. Tuy nhiên, ở nước ta đa số người giúp việc không nghĩ đây là một nghề của xã hội và đa số người sử dụng lao động cũng không xem đây là một nghề.

 

Hiện nay ở nhiều gia đình, người giúp việc làm việc với cường độ khá cao, thời gian lao động rất dài, không một ai bảo vệ. Họ phải làm cả ngày nghỉ, làm nhiều hơn 8 tiếng trong một ngày. Những điều đó là không đúng với luật lao động. Trong khi, đáng lẽ họ phải được hưởng chế độ như bao người lao động bình thường khác. Cái khó khăn nữa là đa phần người giúp việc ở nông thôn ra, trình độ học vấn chưa cao, sự hiểu biết về pháp luật chưa nhiều nên đôi khi người sử dụng lao động, nhà cung cấp người lao động muốn tạo điều kiện để bảo vệ quyền và lợi ích cho họ cũng không dễ.

 

Do đó, yêu cầu trước mắt là sớm đưa nghề giúp việc vào luật. Vì nếu không có quan điểm xem đây là nghề thì cả người giúp việc và người thuê đều dễ quy phạm luật lao động. “Nếu nhà nước đưa ra những quy định chặt chẽ, cụ thể thì người giúp việc sẽ không dám tự ý bỏ việc cũng như người thuê cũng không lạm dụng giờ làm của người giúp việc. Vì vậy hãy công nhận giúp việc là một nghề như bao nghề khác trong xã hội một cách bình đẳng, công bằng”, GS.TS Lê Thị Quý nhấn mạnh.

 

Có những tín hiệu đáng mừng là hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang sửa đổi hoàn thiện Bộ luật Lao động liên quan vấn đề lao động giúp việc gia đình. Theo đó, sẽ có những quy định cụ thể về hợp đồng lao động, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, chính sách đào tạo và bảo hiểm xã hội... cho người lao động giúp việc nhà nhằm tạo tính chất pháp lý để quản lý công việc này.

 

 Theo một cán bộ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về trật tự xã hội (Công an Hà Nội), một trong những lý do chính biến người giúp việc trở thành kẻ trộm xuất phát từ phía chủ nhà. Nhiều gia chủ coi giúp việc như người trong nhà, mang lại tâm lý thoải mái nhưng sẽ khiến người giúp việc nảy lòng tham ngoài ý muốn. Nhiều gia đình khi thuê giúp việc chỉ quan tâm họ có làm được việc hay không mà quên mất mình đang giao những thứ quý giá nhất (nhà cửa, con cái…) cho người hoàn toàn xa lạ, và nhiều hậu quả xấu ập tới là điều không quá khó hiểu. Thêm vào đó, hiện nay giúp việc chưa phải là một nghề được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp. Đa phần người giúp việc đều xuất thân ở nông thôn khi tiếp xúc với cuộc sống đầy đủ, hiện đại, chủ nhà lơ là, mất cảnh giác là người giúp việc rất dễ nảy sinh lòng tham.

 

Những vụ án do người giúp việc gây ra thường gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan công an, nguyên nhân là bởi chủ nhà thường biết rất ít thông tin về người giúp việc của mình. Không ít các gia đình thường phó mặc niềm tin vào các trung tâm giới thiệu mà quên mất việc “thẩm định” lại lý lịch của người giúp việc.

 

Theo N. Anh - T. Thanh

Petrotimes