1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Vụ 'Đà Nẵng khởi kiện nhân tài': Ký 'hợp đồng trái tim', xử bằng 'hợp đồng luật pháp'

Thành phố Đà Nẵng kiên quyết đưa các “nhân tài” xù hợp đồng quay trở lại phục vụ quê hương bằng cách đưa ra tòa dân sự, buộc họ phải bồi thường tiền mà nhà nước, nhân dân đã bỏ ra để phục vụ học tập. Tuy nhiên, con số “nhân tài” xù hợp đồng ngày càng nhiều. Vì sao vậy?

"Hiện con số vi phạm hợp đồng ngày càng nhiều lên, xấp xỉ 10%. Tất cả chúng tôi đều có cơ sở để kiện ra tòa. Tuy nhiên, để tiến hành kiện, có nhiều trường hợp rất oái oăm. Nói như anh Bùi Văn Tiếng (nguyên Trưởng Ban tổ chức thành ủy Đà nẵng), nhân tài ký hợp đồng với Đà Nẵng là hợp đồng bằng trái tim chứ không phải là luật pháp” - ông Nguyễn Văn Chiến - giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng (CPHUD), nói. Mặc dù vậy, những “hợp đồng trái tim” hiện nay đang phải dựa trên hợp đồng luật pháp để giải quyết…

Vụ 'Đà Nẵng khởi kiện nhân tài': Ký 'hợp đồng trái tim', xử bằng 'hợp đồng luật pháp' - 1

Kháng cáo, đó là quyết định của học viên Hà Thanh A. (bỏ sang học ở Anh khi đang làm cho Sở Ngoại vụ Đà Nẵng, đã học xong chương trình thạc sĩ ở Mỹ theo đề án 922). Như Tiền phong từng đề cập, CPHUD cùng đơn vị chủ quản của Hà Thanh A. từng nhiều lần thuyết phục, thương lượng nhưng học viên và gia đình không hợp tác.

Mới đây, CPHUD đã kiện Hà Thanh A. ra tòa dân sự, buộc cô cùng gia đình bồi hoàn gấp đôi số tiền mà Đà Nẵng bỏ ra cho cô du học. Vụ kiện được CPHUD đưa ra tòa cách đây 1 tháng, được xem là động thái cứng rắn để thu hồi lại số tiền nhà nước bỏ ra. Mặc dù vậy, mới đây, A. cùng gia đình kháng cáo. “Hiện tòa phúc thẩm vẫn chưa đưa ra phán quyết cuối cùng” - ông Chiến cho biết.

“Bằng cách này hay cách khác, nhiều học viên vi phạm hợp đồng vẫn rất tôn trọng quyết định của Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng, họ tự nguyện đem tiền đến bồi hoàn. Có nhiều người còn bán cả đất, vay mượn để trả lại tiền cho thành phố. Như sáng nay (tức hôm qua, 1/10 - PV), khi báo đăng bài, đã có người đem 250 triệu đến kho bạc nộp tiền bồi thường và hứa sẽ trả hết trong 2015. Trường hợp này phải bồi thường khoảng hơn 1 tỷ. Hiện trong số 10% vi phạm hợp đồng, có 36 người đã đem tiền đến trả cho thành phố” - ông Nguyễn Văn Chiến

Một trong rất nhiều trường hợp phức tạp khác là học viên Nguyễn Văn L. (từng công tác ở Sở KHCN Đà Nẵng).

Cách đây 2 năm, không những người của CPHUD không liên lạc được với anh L. mà ngay cả người thân (vợ) của anh L. cũng hoàn toàn không nắm rõ.

Mới đây, khi CPHUD quyết định kiện anh L. ra tòa thì phát hiện được anh L. đã cắt đứt hoàn toàn liên lạc, không rõ địa chỉ, không thư tín… Nếu dựa theo hợp đồng thì gia đình anh L. buộc phải bồi hoàn số tiền nhà nước bỏ ra, tuy nhiên, hiện anh L và vợ đã ly dị.

Được biết, vì tính chất phức tạp, hiện vụ việc khởi kiện ra tòa đối với học viên L. vẫn chưa thể tiến hành. Hiện CPHUD cũng như các cơ quan chức năng đang khẩn trương xác minh các thông tin xung quanh anh L. như nơi học tập, địa chỉ… để tiến hành khởi kiện. Những vụ việc như vậy có dính đến yếu tố nước ngoài nên phải tiến hành cẩn trọng. Tất cả những học viên xù hợp đồng, đang học, làm việc ở nước ngoài đều bị kiện ở TAND thành phố.

Dùng cả Facebook để quản lý học viên

Cần phải nhắc lại, với 622 học viên thuộc đề án 922 đến nay, đó là một đề án có tính chiến lược cao về phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo nhân tài, nguồn nhân lực cao cho địa phương. Tuy nhiên, con số 10% vi phạm hợp đồng, cho dù nhiều người vì điều kiện hoàn cảnh phần nào khiến kỷ cương pháp luật đang bị xem thường.

Theo ông Nguyễn Văn Chiến, ngoài những trường hợp đặc biệt chây ì, không hợp tác, kháng cáo thì vẫn còn một số học viên, vì điều kiện hoàn cảnh mà vi phạm lại tỏ ra rất tôn trọng quyết định của CPHUD. Họ tự động đến nộp tiền tại kho bạc.

“Từ trước tới nay, chúng tôi cũng mới chỉ kiện ra tòa chứ chưa dùng đến biện pháp mạnh hơn, chưa cậy nhờ đến cơ quan thi hành án. Điều quan trọng nhất là ý thức, trách nhiệm của công dân, họ phải tuân thủ luật pháp, tuân thủ theo hợp đồng đã ký”.

Được biết, theo hợp đồng, học viên và cả người nhà đều phải ký cam kết bồi hoàn tiền nếu như học viên vi phạm. Theo ông Chiến, kể từ khi thành phố cho ban hành quyết định, cho phép học viên chỉ bồi hoàn 1 lần tiền (đúng với số tiền nhà nước bỏ ra) thay vì gấp 5 lần như trước thì số học viên vi phạm nhiều lên. Hiện con số vi phạm xấp xỉ 10%.

Để tránh tình trạng này, CPHUD khi tuyển chọn học viên đã nắm rất kỹ động cơ, tâm huyết của học viên cũng như chỉ ra lộ trình, công việc… mà học viên sau khi học xong trở về thành phố.

“Việc quản lý học viên là rất khó khăn, đặc biệt là học viên ở nước ngoài. Chúng tôi phải dùng mọi biện pháp như lập tổ, nhóm, thường xuyên điện thoại, trao đổi email để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng… của học viên nhằm kịp thời ổn định tư tưởng.

Thậm chí thời gian trước, CPHUD còn hạn chế nhân viên dùng Facebook trong giờ làm việc thì nay phải khuyến khích vì quản lý học viên ở nước ngoài qua Facebook rất hiệu quả” - ông Chiến cho biết.

Theo Nam Cường/ Báo Tiền Phong