Trường nghề "toát mồ hôi" trước yêu cầu tuyển lớn của doanh nghiệp

(Dân trí) - Nhận thức của xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp gồm cao đẳng, trung cấp đã có phần nâng lên, nhiều trường tuyển sinh khá tốt và cung ứng không kịp nhân lực do yêu cầu lớn từ doanh nghiệp.

Vai trò giáo dục nghề nghiệp từng bước nâng lên

Mới đây, tại Hội nghị tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm năm 2020, ông Vũ Xuân Hùng- Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, kết quả tuyển sinh năm 2019 và những năm trước đây cho thấy nhận thức của xã hội về vai trò của giáo dục nghề nghiệp đã từng bước nâng lên.

Trường nghề toát mồ hôi trước yêu cầu tuyển lớn của doanh nghiệp - 1

Sinh viên ngành nhà hàng khách sạn học tại một trường cao đẳng ở TPHCM.

Theo ông Hùng, kết quả tuyển sinh năm 2019 đạt 103,5% so với kế hoạch, trong đó tuyển sinh trung cấp, cao đẳng là 568.000 người, đạt 101,4% so với kế hoạch, gồm: Cao đẳng tuyển sinh được 236.000 sinh viên, trung cấp tuyển sinh được 332.000 sinh viên…

Ngoài ra, công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS vào giáo dục nghề nghiệp chuyển biến tích cực, điển hình tỉ lệ phân luồng năm 2019 đạt 12%, trong khi cuối năm 2017 chỉ đạt 7-8%.

Chia sẻ bên lề Hội nghị này, Tiến sĩ Trần Mạnh Thành - Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt (TPHCM) cho biết: “Năm nay chỉ tiêu của trường là 1.500. Nhưng tới hiện tại, chúng tôi đã nhận được hồ sơ đăng ký của khoảng 1.000 thí sinh (đã tốt nghiệp THPT). Đây là một tín hiệu rất đáng mừng so với trước đây”.

Ông Thành cũng chia sẻ, năm 2017 khi bắt đầu thực hiện Luật giáo dục nghề nghiệp thì nhận thức xã hội chưa thay đổi. Tuy nhiên, một vài năm gần nay, nhiều bậc phụ huynh và thí sinh đã có cái nhìn tốt hơn đối với đào tạo cao đẳng, trung cấp.

"Rõ ràng học cao đẳng, thời gian học ngắn (so với đại học-PV), chi phí đầu tư ít nhưng ra trường lại dễ tìm được việc làm. Hiện nay nhiều ngành kế toán, quản trị kinh doanh... ở trường tôi, doanh nghiệp đến xin nhưng trường không còn em nào để đáp ứng nhu cầu của họ”, ông Thành cho hay.

Chia sẻ với báo chí mới đây, Tiến sĩ Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng (TPHCM) cũng cho biết nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp đối với người học cao đẳng hiện rất nhiều.

Theo ông Kha, từ đầu năm tới thời điểm này, có 101 doanh nghiệp gửi thông tin tới trường với nhu cầu tuyển dụng khoảng 4.000 vị trí việc làm. Trong đó, ngành cơ khí cần nhiều nhất: 656 lao động, kế đến là cơ điện tử cần 609 người, điện công nghiệp cần 556, điện tử cần 513…

Hằng năm, số lượng sinh viên tốt nghiệp của Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng là 3.700 sinh viên, nhưng không đủ cung cấp cho các doanh nghiệp liên hệ với trường.

Nhiều năm qua, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng luôn thu hút thí sinh đăng ký xét tuyển vào học. Mỗi năm chỉ tiêu tuyển của trường lên đến gần 4.000 sinh viên nhưng điểm đầu vào luôn cao thậm chí cao ngang bằng các trường ĐH top trên.

Chủ động thay đổi để hấp dẫn hơn

Trong thực tế, các đơn vị giáo dục nghề nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn để thu hút người học bởi con đường đến ĐH giờ đây quá thuận lợi. Tuy nhiên, bản thân mỗi trường đều nhìn nhận sẽ phải tự tìm cho mình giải pháp tháo gỡ.

Tiến sĩ Trần Mạnh Thành- Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt chia sẻ: “Đã có giai đoạn, các trường đào tạo cao đẳng gặp rất nhiều khó khăn khi tuyển sinh. Nhưng đến thời điểm này, các trường cũng đã tìm được cách vượt qua, biến nguy cơ thành cơ hội. Thay vì đào tạo số lượng lớn thì bây giờ trường chú trọng đào tạo “tinh” trên số lượng ít người học để tạo thương hiệu cho các trường”.

Trường nghề toát mồ hôi trước yêu cầu tuyển lớn của doanh nghiệp - 2

Thời gian học cao đẳng ngắn, chi phí đầu tư thấp là lợi thế thu hút người học.

Ông Thành cho biết: “Mỗi năm chúng tôi luôn cố gắng đổi mới để đáp ứng với hoàn cảnh của xã hội. Trường tập trung đào tạo các ngành mà thị trường lao động tại Nhật đang rất cần. Chúng tôi đẩy mạnh chương trình internship - sinh viên năm cuối thực tập ở Nhật vừa có thu nhập sau đó trở về hoàn thành chương trình cao đẳng".

Theo ông Thành, nếu các em thể hiện tốt thì sau khi ra trường sẽ tiếp tục sang Nhật làm việc với mức lương cao. Đồng thời, 2 năm nay trường cũng đẩy mạnh đào tạo chương trình chất lượng cao, tức là tổ chức lớp sỉ số ít để có chất lượng.

Bên cạnh đó, các trường cao đẳng đều chủ động tạo cơ hội học nghề có việc làm ngay để thu hút người học. Giải pháp được các trường cho là hiệu quả chính là gắn kết với doanh nghiệp.

Theo tiến sĩ Đình Kha, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, hằng năm trường tổ chức 3 lần hoạt động đào tạo gắn với giải quyết việc làm và kết nối doanh nghiệp. Do đó, tỷ lệ người học có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp là 80% và sau 6 tháng là gần 100%.

Trường nghề toát mồ hôi trước yêu cầu tuyển lớn của doanh nghiệp - 3

TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH)

Tiến sĩ Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) nhấn mạnh, việc chú trọng kỹ năng cho người lao động trong bối cảnh mới cũng phải được các trường nghề đặc biệt quan tâm hơn.

“Có 5 yêu cầu mới đặt ra, trong đó vấn đề đào tạo gắn với doanh nghiệp gắn với thị trường. Lâu nay trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp có nhiều trường làm tốt về đào tạo những kỹ năng mới cho người học, đơn cử như kỹ năng số, ngoại ngữ, tác phong công nghiệp, kỹ năng khởi nghiệp…., nhưng vẫn có nhiều trường chưa làm được”, ông Dũng khẳng định.

Lê Phương