Trả lương: Đừng cào bằng

Tại hội thảo “Đổi mới công tác đào tạo nhân lực cho các KCX và KCN ở Việt Nam” diễn ra tại TP HCM mới đây, khi đề cập thực trạng tiền lương của công nhân (CN) tại các doanh nghiệp (DN), ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cảnh báo: “Nhiều DN xây dựng thang, bảng lương 20-30 bậc, mỗi bậc chỉ cách nhau 20.000-25.000 đồng.

Trả lương: Đừng cào bằng - 1

Người ở bậc cao chỉ hơn người bậc thấp vài chục ngàn đồng, do vậy CN chẳng dại gì đi học nghề ”. Khuyến cáo của ông Chính đồng thời cũng chỉ ra những bất cập về chính sách tiền lương đối với CN của các DN tại nhiều KCX-KCN hiện nay.

Hiện các KCX-KCN trong cả nước đang thu hút 2,6 triệu lao động. Tuy nhiên, 80% trong số này là lao động nhập cư , không có kỹ năng nghề nghiệp nên ảnh hưởng nhiều đến chất lượng lao động . Trong bối cảnh nước ta vừa gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN , đây là hiện trạng đáng báo động, bởi lao động Việt Nam khó lòng cạnh tranh với lao động nước ngoài ngay trên sân nhà.

Ông Hà Duy Hưng, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghiệp Đông Hưng ( tỉnh Bình Dương ), cho rằng để tạo động lực cho đội ngũ lao động, gần chục năm nay, công ty của ông đã áp dụng chính sách trả lương theo trình độ, năng lực và hiệu quả công việc . Căn cứ vào thành tích cống hiến, kỹ sư, CN bậc cao ngoài chế độ lương, thưởng ưu đãi còn được hưởng thêm các khoản phụ cấp. Lao động học việc, bất kể vị trí nào, đều được ban giám đốc tạo điều kiện nâng cao trình độ và cơ hội thăng tiến.

“Chính sách đào tạo, đặc biệt là lương, thưởng hợp lý này đã tạo ra sự cạnh tranh công bằng trong đội ngũ lao động, góp phần giúp DN sở hữu nguồn lao động chất lượng cao ” - ông Hưng khẳng định.

Chính sách tiền lương đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển lâu dài của DN. Tiền lương bất hợp lý không chỉ triệt tiêu động lực cống hiến của người lao động (NLĐ) mà còn là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp. Thực tế, vẫn còn nhiều DN trả lương theo thời gian lao động chứ không dựa vào trình độ hay năng suất. Điều này không khuyến khích NLĐ nâng cao trình độ, tay nghề. Chưa hết, nhiều DN nâng lương theo kiểu cào bằng, gây ức chế cho NLĐ có tay nghề và thâm niên làm việc.

Nếu không xây dựng chính sách tiền lương thỏa đáng, thực sự tạo động lực làm việc cho NLĐ thì DN khó lòng thu hút lao động giỏi và điều này sẽ đẩy DN vào thế bất lợi khi hội nhập.

Theo Khánh An/Báo Người lao động