Tiến sĩ lương không đủ sống, du học sinh chỉ là nhân viên hợp đồng

Tiến sĩ lương không đủ sống, du học sinh chỉ là nhân viên hợp đồng, đó là thực tế mà các du học sinh tại Cà Mau phản ánh với đại biểu Quốc hội trong buổi tiếp xúc cử tri tại Cà Mau. Theo đoàn viên, thanh niên, tình trạng này dễ gây ra sự lãng phí trong đào tạo.

Tiến sĩ lương không đủ sống, du học sinh chỉ là nhân viên hợp đồng, đó là thực tế mà các du học sinh tại Cà Mau phản ánh với đại biểu Quốc hội trong buổi tiếp xúc cử tri tại Cà Mau. Theo đoàn viên, thanh niên, tình trạng này dễ gây ra sự lãng phí trong đào tạo.

Tiến sĩ lương không đủ sống, du học sinh chỉ là nhân viên hợp đồng - 1
Tiến sĩ Lâm Thành Thép, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Du học sinh Cà Mau cho rằng lương thạc sĩ, tiến sĩ không đủ sống. Ảnh: Nhật Hồ

Đoàn đại biểu Quốc hội do ông Nguyễn Quốc Hận, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; ông Trương Minh Hoàng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; ông Bùi Ngọc Chương Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội có cuộc tiếp xúc cử tri với hơn 300 đoàn viên thanh niên tỉnh Cà Mau liên quan đến Luật Thanh niên và những vấn đề bức xúc của thanh niên.

Buổi tiếp xúc nóng lên khi nhiều đại biểu đề cập đến vấn đề bố trí việc làm, phát huy vai trò của lực lượng du học sinh tại Cà Mau. Thời gian qua, kinh phí đào tạo cho du học sinh của Cà Mau khá lớn, chỉ tính riêng năm 2018 trên 50 tỉ đồng.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Du học sinh Cà Mau, Tiến sĩ Lâm Thành Thép, trăn trở: “78 du học sinh vẫn là hợp đồng đối với các cơ quan Nhà nước, khi hết hợp đồng thì đơn vị bắt đầu ký lại, từ đó tâm lý của các du học sinh rất hoang mang”.

Tiến sĩ Lâm Thành Thép nêu vấn đề: “Hiện nay các ứng viên hợp đồng chỉ có lương cơ bản nhân cho hệ số mà không có bất kỳ phụ cấp nào. Với mức lương này, phần lớn du học sinh (là những thạc sĩ, tiến sĩ) chúng tôi không đủ nuôi sống bản thân mà vẫn nhận sự trợ cấp từ phía gia đình”.

Tiến sĩ lương không đủ sống, du học sinh chỉ là nhân viên hợp đồng - 2

Cử tri là thanh niên lo lắng thiếu việc làm khiến thanh niên rời quê đi lao động tại các tỉnh miền Đông. Ảnh: Nhật Hồ

Để tránh tình trạng lãng phí ngân sách, lãng phí chất xám, lãng phí cả tuổi thanh xuân, Tiến sĩ Lâm Thành Thép kiến nghị nên tăng biên chế, bố trí việc làm phù hợp, cần có cơ chế chính sách níu kéo, thu hút tiến sĩ, thạc sĩ và tạo cơ hội cho các du học sinh tham gia vào các dự án mang yếu tố nước ngoài.

Trong khi đó, cử tri Trần Phước Duy (xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân) lo lắng: Không việc làm nên phần lớn thanh niên địa phương phải đi lao động ngoài tỉnh. Công tác hướng nghiệp cho thanh niên thời gian qua vẫn còn hạn chế đã dẫn đến tình trạng thừa thầy thiếu thợ.

Liên quan đến vấn đề việc làm cho đoàn viên thanh niên, Phó Bí thư đoàn thị trấn Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân) Lê Thị Tuyết Chi trăn trở: “Còn hơn 3 tháng nữa 80 tri thức trẻ khóa 3 sẽ kết thúc hợp đồng. Hiện nay vẫn chưa có phương án nào xác định chúng tôi có được ký hợp đồng lại với địa phương mình đang công tác hay không? Tâm trạng hiện nay của tri thức trẻ rất hoang mang, nếu không được nhận lại làm việc chúng tôi phải đi Bình Dương, Đồng Nai tìm kiếm công việc mới ở tuổi 31”.

Được biết Cà Mau là một trong những tỉnh có lượng thanh niên rời quê đi lao động ở Bình Dương, Đồng Nai nhiều nhất ĐBSCL.

Theo Nhật Hồ/Báo Lao động