Quảng Bình:

Thương binh hạng 1/4 làm giàu từ nuôi cá, thu lãi 100 triệu đồng/năm

Tiến Thành

(Dân trí) - Mặc dù là thương binh hạng 1/4, thế nhưng ông Phạm Văn Liếc luôn phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, cần cù lao động, vươn lên làm giàu chính đáng bằng các mô hình kinh tế hiệu quả.

Thương binh vượt khó, làm kinh tế giỏi

Người chúng tôi nhắc đến là Thương binh Phạm Văn Liếc (SN 1959), trú thôn Tiền Thiệp, xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).

Mặc dù là thương binh hạng 1/4, với tỷ lệ thương tật 81%, thế nhưng ông Liếc đang là tấm gương điển hình trong công tác phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Thương binh hạng 1/4 làm giàu từ nuôi cá, thu lãi 100 triệu đồng/năm - 1

Thương binh Phạm Văn Liếc và người vợ của mình là bà Nguyễn Thị Lợi.

Theo lời kể của ông: Tháng 5/1978, ông chính thức tham gia quân ngũ. Chỉ sau một thời gian ngắn huấn luyện, ông được điều động lên đường làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia.

Trải qua những trận đánh ác liệt, ông đã phải chứng kiến rất nhiều sự mất mát, hy sinh của đồng đội trên nước bạn.

Trong một trận đánh  tiến vào thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia), người chiến sỹ Phạm Văn Liếc đã bị thương nặng do trúng đạn Ak và phải rút về tuyến sau.

Sau thời gian điều trị, ông Liếc dần hồi phục. Đây cũng là lúc quân đội Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ quốc tế và rút dần khỏi Campuchia, ông Liếc xuất ngũ, trở về với quê hương.

Thương binh hạng 1/4 làm giàu từ nuôi cá, thu lãi 100 triệu đồng/năm - 2

Sau khi rời quân ngũ trở về với cuộc sống đời thường, cựu chiến binh Phạm Văn Liếc lại tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, cần cù lao động, vươn lên làm giàu chính đáng bằng các mô hình kinh tế hiệu quả.

Sau khi rời quân ngũ trở về với cuộc sống đời thường, cựu chiến binh Phạm Văn Liếc lại tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, cần cù lao động, vươn lên làm giàu chính đáng bằng các mô hình kinh tế hiệu quả.

Với sự nhiệt huyết và không ngại gian khó ông đã tìm tòi, học hỏi nhiều nơi về các mô hình chăn nuôi từ thỏ, gà đến cá.

Suy nghĩ muốn thoát khỏi cảnh nghèo đói thì phải táo bạo, đổi mới tư duy lao động sản xuất, vợ chồng ông Liếc đã mạnh dạn vay mượn tiền để chăn nuôi.

Tùy theo từng thời điểm, những mô hình này đã mang lại cho gia đình Thương binh Phạm Văn Liếc một cuộc sống đầy đủ, ấm no. Hiện nay, ông Liếc đang thực hiện nuôi cá chình và cá lóc bằng lồng trên sông Kiến Giang.

Thương binh hạng 1/4 làm giàu từ nuôi cá, thu lãi 100 triệu đồng/năm - 3

Mô hình nuôi cá chình và cá lóc trên sông Kiến Giang mang lại nguồn thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm cho gia đình Thương binh Phạm Văn Liếc.

Chia sẻ với PV Dân trí, ông liếc cho biết ông bắt đầu thực hiện các mô nuôi cá lồng từ năm 2014 và hiện nay có 6 lồng cá nuôi luân phiên trên sông Kiến Giang với số lượng trung bình vào khoảng 300 - 500 con. Nhờ chú trọng khâu kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh nên mô hình nuôi cá của ông ít dịch bệnh, đem lại thu nhập cao.

Ông còn chia sẻ cá chình nước ngọt có đặc điểm lớn nhanh, ít dịch bệnh, thức ăn cho cá có thể kiếm được từ địa phương. Cá đến tuổi thu hoạch được các thương lái thu mua tận nơi với mức giá trung bình gần 600.000 đồng/kg.

Thương binh hạng 1/4 làm giàu từ nuôi cá, thu lãi 100 triệu đồng/năm - 4

Thương binh Phạm Văn Liếc vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

“Cá chình thì nuôi 2 năm mới xuất bán, riêng cá lóc thì cứ 3 tháng là có thể bán được. Nhờ 6 lồng cá thay phiên nuôi này gia đình tôi cũng kiếm được gần 300 triệu mỗi năm, trừ mọi chi phí đi cũng lãi ròng hơn 100 triệu”, ông Liếc chia sẻ.

Ngoài việc phát triển kinh tế, thương binh Phạm Văn Liếc cũng là người thường xuyên tham gia các công tác xã hội tại địa phương cũng như tích cực hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm mô hình nuôi cá chình cho người dân địa phương.

Thương binh hạng 1/4 làm giàu từ nuôi cá, thu lãi 100 triệu đồng/năm - 5

Thương binh Phạm Văn Liếc cũng là người thường xuyên tham gia các công tác xã hội tại địa phương

Với những đóng góp không biết mệt mỏi, vào năm 2019, Thương binh Phạm Văn Liếc đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong lao động, sản xuất, vượt khó vươn lên, chiến thắng thương tật, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội.

Theo ông Nguyễn Cao Thành, Phó trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Lệ Thủy, từ tấm gương của Thương binh Phạm Văn Liếc, huyện đang nhân rộng mô hình thương binh làm kinh tế giỏi, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo.

Thương binh hạng 1/4 làm giàu từ nuôi cá, thu lãi 100 triệu đồng/năm - 6

Thương binh Nguyễn Hữu Trọng chăm sóc vườn cây ăn quả của mình.

Còn với người dân tại xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, Thương binh Nguyễn Hữu Trọng từ lâu đã là một tấm gương trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình cũng như đi đầu trong các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa.

Sau 30 năm cống hiến trong quân ngũ, về với đời thường, Thương binh Nguyễn Hữu Trọng đã cùng vợ khai hoang trên vùng đất đầy rẫy bom mìn. Từ đó xây dựng thành một mảnh vườn, trồng cây ăn quả, rau mùa vụ kết hợp nuôi gà, thả cá cho thu nhập hàng năm lên đến hơn 50 triệu đồng.

Thương binh hạng 1/4 làm giàu từ nuôi cá, thu lãi 100 triệu đồng/năm - 7

Bên cạnh đó ông con nuôi cá trê để phát triển kinh tế.

Không chỉ làm kinh tế hộ gia đình để nâng cao đời sống, bằng uy tín của mình, Thương binh Nguyễn Hữu Trọng cũng đã vận động thêm nhiều nguồn lực từ xã hội để chăm lo đời sống cho dân nghèo, các gia đình chính sách.

“Với góc độ người lính bộ đội Cụ Hồ thì luôn luôn bất kỳ cương vị nào, bất kỳ thời điểm nào mình luôn phải hết sức nỗ lực, cố gắng. Thời chiến mình không ngại hy sinh, chiến đấu bảo vệ tổ quốc, trong thời bình thì phải không ngừng học hỏi, phát triển kinh tế, làm giàu đẹp cho quê hương, đất nước”, Thương binh Trọng tâm sự.

Thương binh hạng 1/4 làm giàu từ nuôi cá, thu lãi 100 triệu đồng/năm - 8

Thấm nhuần lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, Thương binh Nguyễn Hữu Trọng luôn nỗ lực vượt mọi khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Nhờ làm ăn kinh tế khá, các con của gia đình ông Trọng nay đều thành đạt. Vợ chồng ông cũng luôn chia sẻ giúp đỡ cho một số hộ gia đình khó khăn trong xóm cùng vươn lên làm ăn phát triển kinh tế. Thấm nhuần lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, Thương binh Nguyễn Hữu Trọng luôn nỗ lực vượt mọi khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Ông không chỉ là một thương binh làm kinh tế giỏi, mà còn là một công dân gương mẫu luôn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của địa phương, là tấm gương sáng cho con cháu noi theo.