1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thu lãi gần 1 triệu đồng/ngày, bánh đa Đô Lương rộng đường xuất ngoại

Huyện Đô Lương (Nghệ An) từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm bánh đa truyền thống. Với nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, như: Gạo, vừng đen, và gia vị các loại, người dân ở nơi đây đã tạo nên loại bánh đa có hương vị đặc trưng của xứ Nghệ.

Thu lãi gần 1 triệu đồng/ngày

Nghề làm bánh đa ở huyện Đô Lương đã tồn tại lâu đời. Người làm bánh đa lâu năm cũng không nhớ nghề có từ khi nào, chỉ biết rằng khi sinh ra đã thấy ông bà, bố mẹ làm những chiếc bánh đa vừng thơm ngon.

Dưới nắng nóng hơn 40 độ C, bà con vẫn luôn tay trở đều từng chiếc bánh để bánh được khô đều. Ảnh: Mỹ Hà
Dưới nắng nóng hơn 40 độ C, bà con vẫn luôn tay trở đều từng chiếc bánh để bánh được khô đều. Ảnh: Mỹ Hà

Cho đến giờ, trải qua 300 năm, người dân ở xóm 4, xã Đà Sơn, huyện Đô Lương vẫn luôn duy trì và phát triển nghề làm bánh đa ngày càng sôi động. Để có sản phẩm bánh đa ngon, người dân Đô Lương thường sử dụng gạo có độ dẻo ít (gạo thường được dùng là Khang Dân 18) để tráng bánh.

"Để khẳng định được thương hiệu thì mình cần phải biết cố gắng, nhiều hôm nắng gắt quá, công nhân phải trở bánh liên tục để cho bánh được khô đều. Làm gì cũng cần cái tâm đặt vào đó, tuy nổi tiếng nhưng mình cần chu đáo, tỉ mỉ”.

Anh Nguyễn Thế Minh - chủ cơ sở sản xuất bánh đa

Bình quân mỗi gia đình làm nghề một ngày xay 10kg gạo, 1kg gạo tráng được trên dưới 30 chiếc bánh đa, mỗi chiếc bánh bán giá sỉ trung bình 2.000 đồng, thu về được 60.000 đồng. Sau khi trừ chi phí, gạo, củi, gia vị…; mỗi kg gạo người làm nghề còn lãi ròng 10.000 đồng. Có những gia đình mỗi ngày làm 100kg gạo, thu lãi gần 1 triệu đồng/ngày.

Ở huyện Đô Lương hiện có hàng trăm hộ làm nghề, người dân tráng bánh quanh năm nhưng thuận lợi nhất là những ngày nắng. Nếu trời mưa, có một số hộ vẫn làm, nhưng phải xông bánh bằng than, chất lượng bánh không tốt bằng phơi nắng.

Anh Nguyễn Thế Minh - một trong những cơ sở sản xuất bánh đa tại xóm 4, xã Đà Sơn, huyện Đô Lương - cho biết: “Có những thời điểm giữa nắng nóng như đợt nóng vừa qua, người ta tìm nơi mát mẻ trú ẩn, nhưng người dân chúng tôi thì liền tay không ngơi nghỉ. Nắng nóng, ngồi bên lò tráng bánh rồi phơi bánh giữa trời cũng vất vả lắm. Thế nhưng, để đủ bánh phục vụ cho khách sỉ, lẻ khắp nơi, chúng tôi phải tranh thủ. Nghề này mang lại thu nhập ổn định. Đây được xem là một nét truyền thống mà bà con nơi đây nói riêng và huyện Đô Lương nói chung cùng gìn giữ và phát triển. Tranh thủ được mùa nắng thôi, mưa xuống lại không làm được”.

Khẳng định thương hiệu

“Trước đây người dân trong làng tráng bánh chỉ bằng bột gạo nước, trộn với vừng đen. Nay để tăng thêm vị thơm ngon, chúng tôi cho thêm gừng, hạt tiêu, tỏi giã nhỏ, trộn vào bột gạo để tráng. Sản phẩm của làng nghề nổi tiếng thơm ngon, nên không chỉ người tiêu dùng trong nước mà Việt kiều ở nước ngoài như: Đức, Campuchia, Lào, Singapore, Hàn Quốc, Nga… đều ưa thích, nên tiêu thụ rất tốt” - anh Minh nói thêm.

Tại cơ sở làm bánh của vợ chồng Thành-Hoài có hơn 10 nhân công lao động, một tháng sản xuất được hơn 20.000 chiếc bánh, trung bình mỗi chiếc bán ra thị trường với giá khoảng 2.000 đồng. Ngoài ra, vợ chồng Thành-Hoài còn thu mua bánh từ các hộ dân xung quanh cơ sở. Trung bình mỗi tháng cơ sở này chuyển đến các đại lý sỉ, lẻ khoảng 3-4 vạn chiếc bánh, mang lại lợi nhuận hàng chục triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Hoài - chủ cơ sở - cho biết: “Trời nắng to phải canh bánh thường xuyên, bởi quá nắng chiếc bánh sẽ cứng và cong, nhìn không đẹp mắt và khó nướng, cứ dăm ba phút lại chạy ra trở bánh một lượt. Đây là nghề chính mang lại thu nhập nuôi sống gia đình nên tranh thủ mùa nắng nóng để làm thôi. Ngoài ra, làm nhiều mùa này cũng là để dự trữ tới mùa đông cung cấp cho khách hàng. Càng ngày bánh đa Đô Lương càng khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường nên nhiều khách hàng tìm về lắm. Nghề này tưởng đơn giản nhưng không hề đơn giản tí nào” - chị Hoài cho biết.

Trong những ngày này, tranh thủ thời tiết có nắng, cơ sở của anh Nguyễn Thế Minh ngoài nguồn nhân lực trong nhà, anh đã thuê mượn thêm nhiều lao động bên ngoài để đẩy nhanh tiến độ làm bánh. Mỗi ngày cơ sở của anh làm được khoảng gần 900 chiếc bánh.

Truyền thống làm bánh đa không chỉ góp phần phát triển văn hóa và truyền thống của cha ông để lại, mà còn giúp người dân ở nơi đây có thêm nguồn thu nhập để trang trại cho cuộc sống. Bánh đa Đô Lương trước chỉ được bán quanh địa phương, nhưng giờ đã được bán ra tất cả các tỉnh trên cả nước. Đây cũng là loại bánh được tượng trưng cho đặc sản Đô Lương.

Theo Danviet.vn