1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quảng Ninh “nóng” chuyện đào tạo nghề cho lao động nông thôn

(Dân trí) - Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là trong số các chủ đề "nóng" tại Phiên chất vấn trực tiếp Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh Quảng Ninh, khóa XIII diễn ra vào sáng nay (9/7).

Quảng Ninh “nóng” chuyện đào tạo nghề cho lao động nông thôn - 1

Vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm hàng đầu tại phiên chất vấn trực tiếp HĐND tỉnh Quảng Ninh hôm nay (9/7)

Dạy nghề giúp 2.500 hộ thoát nghèo, khá giả

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Vũ Thị Thanh (Tổ đại biểu TX Quảng Yên) đã đưa ra hàng loạt câu hỏi liên quan đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Theo đại biểu Thanh, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn và bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ được triển khai đã nhiều năm và đến nay cũng đã đạt được một số kết quả tích cực. "Vậy, đề nghị Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết rõ hơn về kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh trong 5 năm gần đây (2016 - 2020)", đại biểu Vũ Thị Thanh đặt câu hỏi. 

Đại biểu này cũng đặt thêm câu hỏi, công tác giải quyết việc làm và các chính sách cho đối tượng học nghề sau đào tạo được thực hiện thế nào? Những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, hướng khắc phục cũng như giải pháp để đạt được kết quả thực sự trong thời gian tới?

Trả lời những câu hỏi này, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Hoài Sơn cho biết, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai đã lâu.

Theo thống kê qua 5 năm gần đây, tỉnh triển khai được 438 lớp đào tạo nghề, trong đó có 192 lớp nông nghiệp, 246 lớp phi nông nghiệp, với 12.533 lao động được đào tạo.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cũng cho biết, số lao động phát huy hiệu quả sau đào tạo đạt trên 10.400 người, bằng 83,4% so với lao động được hỗ trợ đào tạo. Thông qua đào tạo nghề cũng đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo với trên 500 hộ thoát nghèo và trên 2.000 hộ khá giả.

Quảng Ninh “nóng” chuyện đào tạo nghề cho lao động nông thôn - 2

Đại biểu Vũ Thị Thanh, Tổ đại biểu Thị xã Quảng Yên đưa ra hàng loạt câu hỏi liên quan đến đào tạo nghề cho lao động nông thôn .

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoài Sơn cũng thừa nhận công tác này cũng còn một số những tồn tại hạn chế trong thời gian qua.

Cụ thể, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương còn chưa cao; công tác tuyên truyền chưa sâu rộng; tỷ lệ lao động vào các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp còn ít, hầu hết là tự tạo việc làm. Bên cạnh đó, số lao động tiếp cận nguồn vốn vay để mở rộng đầu tư sản xuất còn thấp.

Ngoài ra theo đại diện Sở LĐ-TB&XH, tỉnh còn một số hạn chế khác, như: Thu hút doanh nghiệp đầu tư tham gia vào lĩnh vực dạy nghề còn ít; doanh nghiệp hầu hết chỉ quan tâm đến việc tuyển dụng theo nhu cầu, chưa thực hiện được việc chủ động đặt hàng đào tạo lao động với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp...

Gắn đào tạo nghề với tạo việc làm

Cũng theo ông Nguyễn Hoài Sơn, để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Đồng thời, Sở sẽ kiến nghị tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo địa phương trong công tác đào tạo nghề, gắn nhiệm vụ này với phát triển KT-XH của chính địa phương đó.

Sở cũng tập trung tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, nhân dân về ý nghĩa của công tác đào tạo nghề, đặc biệt là lao động nông thôn.

Quảng Ninh “nóng” chuyện đào tạo nghề cho lao động nông thôn - 3

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Hoài Sơn trả lời chất vấn.

Ông Nguyễn Hoài Sơn cũng nhấn mạnh, việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo hiệu quả của việc đào tạo nghề.

Tới đây, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành khác tăng cường kiểm tra, giám sát chương trình đào tạo nghề. Sở cũng chuẩn bị tham mưu cho tỉnh chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn tiếp theo để bước vào giai đoạn mới được tốt hơn.

Liên quan đến vấn đề này, tại Kỳ họp, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo đánh giá toàn diện việc thực hiện Đề án đào tạo nghề nông thôn trong 10 năm qua.

Việc đánh giá phải gắn với một số nghị quyết liên quan của HĐND tỉnh, đặc biệt là Nghị quyết 220 về các danh mục nghề được khuyến khích, ưu đãi. 

Quảng Ninh “nóng” chuyện đào tạo nghề cho lao động nông thôn - 4

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, việc quan tâm thực sự đến đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm được coi là yếu tố then chốt...

Đồng thời, Chủ tịch HĐND tỉnh chỉ đạo UBND thị xã, thành phố đánh giá toàn diện lại mô hình Trung tâm giáo dục thường xuyên, đào tạo nghề cấp huyện… để xem chất lượng đầu ra thế nào.

Theo ông Ký, nếu chất lượng không đảm bảo cũng cần phải nhìn nhận lại và có quan điểm, chủ trương rõ để các Trung tâm này thực sự phát huy hiệu quả việc đào tạo.

Ông Nguyễn Xuân Ký cũng cho rằng, việc quan tâm thực sự đến đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm được coi là yếu tố then chốt để xây dựng mục tiêu giảm nghèo bền vững, nông thôn mới nâng cao, phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn.

An Nhiên