1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quảng Nam: Phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2019

(Dân trí) - Sáng ngày 4/5, tại tỉnh Quảng Nam, Ban chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động Trung ương và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức phát động với chủ đề “Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”.

Tham dự buổi lễ có ông Lê Tấn Dũng - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, lãnh đạo các Bộ, ngành, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế ILO tại Việt Nam và tỉnh Quảng Nam cùng 500 đại biểu là công nhân trong các lĩnh vực trên cả nước về tham dự.

Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2019

Chủ tịch tỉnh Quảng Nam – ông Đinh Văn Thu (giữa) tặng bằng khen đến các cá nhân, tổ chức có thành tích trong công tác đảm bảo về an toàn, vệ sinh lao động

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, tuy đã có nhiều cố gắng và đạt được một số kết quả nhưng công tác an toàn, vệ sinh lao động vẫn còn một số tồn tại. Số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số vụ sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại.

Năm 2018, tai nạn lao động đã làm 1.039 người chết, đặc biệt là đối với khu vực làm việc không có hợp đồng lao động tăng 59% số người chết tai nạn lao động.

Những tháng đầu năm 2019, một số vụ tai nạn lao động trong xây dựng, cháy nổ có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người vẫn còn xảy ra như sập đổ công trình xây dựng, cháy nhà xưởng nhiều người chết.

Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2019

Công nhân vệ sinh môi trường – một công việc nặng nhọc, vất vả

“Những mất mát về con người và thiệt hại vật chất do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là rất lớn, để lại những nỗi đau cho biết bao gia đình, gánh nặng đối với xã hội”, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng phát biểu.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, trong bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam đang phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế, những thách thức và nguy cơ trong công tác an toàn, vệ sinh lao động vẫn đang gia tăng hiện hữu. Cấp ủy, chính quyền một số nơi cũng chưa thật sự quan tâm đầy đủ, chỉ đạo quyết liệt công tác an toàn, vệ sinh lao động tại địa phương.

Bên cạnh đó, nhiều người sử dụng lao động chưa chú ý thực hiện đúng quy định của pháp luật, quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro. Nhiều người lao động chưa được đào tạo nghề, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn đầy đủ và tác phong công nghiệp còn hạn chế, chủ quan.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng phát biểu: “Với quyết tâm hành động chăm lo, kiểm soát tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bảo vệ nguồn nhân lực vì nhân lực là tài sản quý giá nhất của mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia và để hướng tới một nền sản xuất an toàn, có trách nhiệm xã hội, năng suất lao động và hiệu quả cao”.

Để tháng hành động được triển khai hiệu quả, thiết thực, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tập trung triển khai đồng bộ, thường xuyên, có hiệu quả theo tinh thần Chỉ thị 29-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế…

Ngoài ra, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp liên ngành trong triển khai các hoạt động; cần chú trọng mở rộng triển khai các hoạt động về an toàn, vệ sinh lao động tới cấp huyện, cấp xã…

Trong khuôn khổ Lễ phát động, Ban tổ chức còn triển khai các hoạt động đối thoại chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; thăm, tặng quà các gia đình thân nhân người lao động chết do tai nạn lao động…

C.Bính