1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Người lao động đóng BHXH theo cách nào?

(Dân trí) - Nhiều người lao động muốn tìm hiểu về quy trình đóng BHXH hiện nay ra sao? Hiện có những cách đóng BHXH nào? Những đối tượng đặc biệt như đi làm việc ở nước ngoài, đi theo chế độ phu quân có được đóng BHXH không và cách đóng ra sao?...


Người lao động tiếp nhận sổ BHXH (Ảnh: Hoàng Mạnh)

Người lao động tiếp nhận sổ BHXH (Ảnh: Hoàng Mạnh)

Theo Điều 7 tại Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam (về Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp - BHXH, BHYT, BHTN; bảo hiểm thất tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp - BHTNLĐ, BNN; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT), các cách đóng BHXH được quy định như sau:

Phương thức đóng theo quy định tại Điều 85, Điều 86 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:

Đóng hằng tháng

Hằng tháng, chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, đơn vị trích tiền đóng BHXH bắt buộc trên quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia BHXH bắt buộc, đồng thời trích từ tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc của từng người lao động theo mức quy định, chuyển cùng một lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.

Đóng 3 tháng hoặc 6 tháng một lần

Đơn vị là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì đóng theo phương thức hằng tháng hoặc 03 tháng, 06 tháng một lần. Chậm nhất đến ngày cuối cùng của phương thức đóng, đơn vị phải chuyển đủ tiền vào quỹ BHXH.

Đóng theo địa bàn

Đơn vị đóng trụ sở chính ở địa bàn tỉnh nào thì đăng ký tham gia đóng BHXH tại địa bàn tỉnh đó theo phân cấp của BHXH tỉnh; Chi nhánh của doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn nào thì đóng BHXH tại địa bàn đó.

Một số trường hợp cụ thể

Điều 7 tại Quyết định số 595/QĐ-BHXH cũng quy định một số trường hợp đặc biệt.

Đối với người lao động Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, phương thức đóng là 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng một lần hoặc đóng trước một lần theo thời hạn ghi trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Người lao động đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH trước khi đi làm việc ở nước ngoài hoặc đóng qua đơn vị, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Trường hợp đóng qua đơn vị, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì đơn vị, tổ chức sự nghiệp thu, nộp BHXH cho người lao động và đăng ký phương thức đóng cho cơ quan BHXH.

Trường hợp người lao động được gia hạn hợp đồng hoặc ký HĐLĐ mới ngay tại nước tiếp nhận lao động thì thực hiện đóng BHXH theo phương thức quy định tại Điều này hoặc truy nộp cho cơ quan BHXH sau khi về nước.

Đối với người lao động hưởng chế độ phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quy định tại Khoản 4 Điều 123 Luật BHXH , thực hiện đóng hằng tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng một lần thông qua đơn vị quản lý cán bộ, công chức có phu nhân hoặc phu quân để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Người lao động và người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH bắt buộc còn thiếu tối đa 6 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc trợ cấp tuất hằng tháng: Đóng một lần cho số tháng còn thiếu thông qua đơn vị trước khi nghỉ việc; Người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH bắt buộc hoặc thân nhân của người lao động chết đóng một lần cho số tháng còn thiếu tại cơ quan BHXH huyện nơi cư trú.

Hoàng Mạnh tổng hợp