Năng suất lao động thấp, đâu phải lỗi của công nhân?

Lại nói về chuyện tăng lương tối thiểu vùng năm 2016, kết quả của 3 lần Hội đồng tiền lương quốc gia họp là năm 2016, lương tối thiểu vùng sẽ tăng 12,4%, tuy nhiên các bên đều không hài lòng.

Năng suất lao động phụ thuộc không nhỏ vào công nghệ và thiết bị (ảnh minh họa)
Năng suất lao động phụ thuộc không nhỏ vào công nghệ và thiết bị (ảnh minh họa)

Tổ chức đại diện cho người lao động cho rằng, với mức tăng như vậy thì lương tối thiểu sẽ không đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu, phía đại diện cho doanh nghiệp (DN)thì nói, tăng như vậy thì quá sức chịu đựng của doanh nghiệp vì tình hình kinh tế đang khó khăn.

    Lại là câu chuyện năng suất lao động, đành rằng đa số công nhân hiện nay đều xuất thân từ nông thôn, trình độ ban đầu có hạn chế vì chưa qua trường lớp đào tạo nhưng với những ngành sản xuất hiện nay: Giày dép, dệt may, chế biến thủy sản… thì công nhân chúng tôi, chậm nhất một tháng là có thể làm được việc.

    Hãy thử hỏi bất kỳ người công nhân nào mà các anh gặp xem chúng tôi có muốn nâng cao tay nghề không? Có muốn tăng năng suất lao động để được tăng lương không? Đến việc tăng ca 2.000 giờ mỗi năm chúng tôi còn làm thì cớ gì chúng tôi không muốn nâng cao tay nghề, tăng năng suất lao động để được tăng lương?

    Nhưng đâu phải công nhân chúng tôi muốn tăng năng suất lao động là tự mình tăng được đâu, thưa các ông chủ? Năng suất lao động, phụ thuộc vào tay nghề của công nhân chỉ một phần, nó còn phụ thuộc vào điều kiện sản xuất, máy móc dây chuyền, trang thiết bị của công ty nữa.

    Chúng tôi, những người công nhân, ngày ngày làm việc với những máy móc cũ kỹ, lỗi thời, hết hạn sử dụng phải sửa đi sửa lại nhiều lần, những máy móc giá rẻ, chất lượng kém thì làm sao có năng suất lao động cao được.

    Xin thưa, kỹ sư du học Mỹ, Pháp về nhưng chỉ cho họ có một cái búa, một cục sắt vụn thì có “tài thánh” anh kỹ sư ấy cũng chịu chết… Vậy thì, doanh nghiệp lấy lý do năng suất lao động thấp, để làm cái cớ yêu cầu hạ mức tăng lương tối thiểu thì có hợp lý, hợp tình?

    Các chủ DN than thở rất nhiều về chuyện thiếu vốn mua máy móc, muốn cải tiến kỹ thuật phải cần vốn mà lại là vốn lớn, nó quá sức đối với doanh nghiệp. DN cần Nhà nước hỗ trợ với lãi suất ưu đãi! Hỗ trợ DN cũng là hỗ trợ người lao động.

    DN đã nói thật, bởi làm ăn chân chính, lâu dài, ai chẳng muốn DN mình phát triển, chăm lo cho công nhân để họ gắn bó với mình nhưng đôi khi cái khó nó bó hết cái tình!

    Theo Báo Lao động