1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đà Nẵng:

Lương tối thiểu 2021: Không dễ tìm lời giải cho bài toán quyền lợi các bên

(Dân trí) - Doanh nghiệp muốn người lao động cùng chia sẻ để duy trì hoạt động và vượt khó. Trong khi đó, người động lo lắng nếu không tăng lương cuộc sống tối thiểu sẽ khó được đảm bảo.

Giãn thời gian tăng lương

Vừa qua, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã bàn họp phiên đầu tiên về điều chỉnh lương tối thiểu năm 2021. Tuy nhiên, Phiên họp chưa bộc lộ nhiều dự báo.

Dự kiến, Phiên họp thứ 2 về điều chỉnh lương tối thiểu 2021 sẽ được Hội đồng tiền lương Quốc gia tổ chức trong tháng 7/2020.

Chia sẻ về việc điều chỉnh lương tối thiểu năm 2021, ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho biết, nếu không ảnh dịch Covid-19 thì việc tăng lương tối thiểu hằng năm là thỏa đáng.

Vấn đề chỉ là  xác định mức tăng như thế nào để hài hòa lợi ích các bên và phù hợp với tốc độ tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp VN đặt trong bối cảnh hội nhập...

Lương tối thiểu 2021: Không dễ tìm lời giải cho bài toán quyền lợi các bên - 1

Doanh nghiệp muốn người lao động cùng chia sẻ để duy trì hoạt động của doanh nghiệp và việc làm của người lao động hơn là tăng lương vào lúc này (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, ông Quang cho rằng, hiện nay do dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp gặp những khó khăn chưa từng có trong duy trì hoạt động kinh doanh và duy trì việc làm cho người lao động.

Do vậy, việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2021 cần được cân nhắc kỹ càng dưới góc độ ưu tiên duy trì sự hoạt động tồn tại của doanh nghiệp và việc làm cho người lao động.

"Tôi cho rằng, khi doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động, không tồn tại thì việc làm của người lao động sẽ không được duy trì, đảm bảo", ông Quang nói.

Theo ông Quang, trong bối cảnh này nên "giãn" thời gian tăng lương tối thiểu vùng từ 6 tháng đến 1 năm, tùy thuộc vào diễn biến của dịch bệnh, không chỉ ở trong nước mà cả quốc tế. Bởi nền kinh tế VN đã hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới nên phụ thuộc vào xuất nhập khẩu.

Theo ông Quang, nếu dịch bệnh không được khống chế tốt trên thế giới, đặc biệt là các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam, nền kinh tế nước ta khó phục hồi nhanh và không sớm để khôi phục trở lại như trước dịch bệnh được.

Nếu như vậy, việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ gây khó khăn kép cho doanh nghiệp và việc duy trì việc làm cho người lao động một lần nữa được đặt trước những thách thức lớn hơn.

Với bối cảnh dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì việc làm của người lao động là việc cần được ưu tiên hơn là tăng lương tối thiểu vùng.

Lương tối thiểu 2021: Không dễ tìm lời giải cho bài toán quyền lợi các bên - 2

Trong khi người lao động mong muốn tăng lương để bù trượt giá (ảnh minh họa)

Đồng quan điểm lãnh đạo VCCI Đà Nẵng, ông Phan Hải - Giám đốc Công ty giày BQ (Đà Nẵng), cũng cho biết, việc tăng lương hằng năm cho người lao động là cần thiết, giúp cho cuộc sống người lao động tốt hơn bởi người lao động cũng là tài sản của công ty.

Tuy nhiên, tại thời điểm này, nên có một sự chia sẻ giữa người lao động và doanh nghiệp.

“Chúng ta phải cùng nhau làm sao để sống sót được và muốn sống sót được thì phải cùng nhau “hy sinh”. Doanh nghiệp hiện nay cũng đang rất khó khăn và đang phải tính cách làm sao để sống sót. Khi doanh nghiệp chưa sống được mà tăng thêm chi phí thì cực kỳ khó khăn”, ông Hải nói.

Cần đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TP Đà Nẵng, cho rằng, nếu chỉ số giá tiêu dùng tăng thì phải tăng lương tối thiểu cho người lao động. Có tăng lương, người lao động mới đảm bảo được mức sống tối thiểu cho bản thân và gia đình.

“Mức tăng lương ít nhất phải bằng mức tăng chỉ số giá tiêu dùng để cuộc sống của người lao động được đảm bảo, tăng lương ở đây cũng chỉ là bù trượt giá thôi”, ông Diệp nói.

Ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch Công đoàn Khu công nghệ cao - Khu công nghiệp Đà Nẵng, cũng cho biết, hiện đời sống người lao động còn nhiều khó khăn vì vậy cần phải tăng lương để cuộc sống của người lao động khá lên.

Lương tối thiểu 2021: Không dễ tìm lời giải cho bài toán quyền lợi các bên - 3

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều lao động bị giảm tiền lương (ảnh minh họa)

Mặc dù ông Trung cũng chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay nhưng theo ông Trung cần phải tăng lương đủ để bù trượt giá.

Một số người lao động khi được khảo sát cũng mong muốn được tăng lương để đảm cuộc sống.

Chị Hoàng Lan Phương (bộ phận kế hoạch tại công ty may ở Khu công nghiệp Hòa Khánh, Đà Nẵng) cho rằng, nhà nước cần phải tăng lương tối thiểu năm 2021 vì vật giá hàng năm đều tăng. Thêm vào đó, tăng lương cũng là nguồn động viên để người lao động có động lực làm việc.

“Tăng ít hay tăng nhiều gì cũng phải tăng để người lao động thấy mình được tăng lương hàng năm”, chị Phương nói.

Chị Nguyễn Thị Nhi (đang làm việc tại một công ty sản xuất cần câu cá tại Khu công nghiệp Hòa Khánh) chia sẻ, mức lương cơ bản hiện nay của chị là gần 4 triệu đồng/tháng.

Tùy vào thời gian tăng ca ít hay nhiều, tổng thu nhập hàng tháng của chị Nhi khoảng 5-6 triệu đồng. Theo chị Nhi, với mức lương này chị chỉ đủ cho chi phí sinh hoạt cho gia đình.

Đặc biệt thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chị không có tăng ca mà chỉ làm giờ hành chính và nhận mức lương cơ bản.

"Chúng tôi thấy mức thu nhập của công nhân hiện nay là thấp, nhưng công việc thì vất vả. Vì vậy, việc tăng lương tối thiểu cho người lao động là cần thiết", chị Nhi nói.

Khánh Hồng