1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lương tối thiểu 2019: Xuất hiện 3 đề xuất tại Phiên đàm phán lần đầu

(Dân trí) - Trao đổi sau Phiên đàm phán lương tối thiểu lần đầu, chiều 9/7 tại Hà Nội, ông Doãn Mậu Diệp - Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia - cho biết, ngoài khoảng cách đề xuất 8 % giữa VCCI và Tổng LĐLĐ VN, bộ phận kỹ thuật cũng xây dựng mức tăng lương tối thiểu khoảng 5,3%.

Lương tối thiểu 2019: Xuất hiện 3 đề xuất tại Phiên đàm phán lần đầu - 1

Phiên đàm phán lương tối thiểu vùng 2019 thu hút sự quan tâm của nhiều người. Tác động từ sự điều chỉnh của mức lương tối thiểu có thể ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới hàng chục triệu lao động trong khu vực làm công ăn lương.

Đề xuất thứ 3

Theo ông Doãn Mậu Diệp, tính toán của bộ phận kỹ thuật thuộc Hội đồng tiền lương Quốc gia cho thấy, mục tiêu tới năm 2020, lương tối thiểu phải đáp ứng mức sống tối thiểu.

“Mục tiêu trên cùng với tác động của chỉ số giá tiêu dùng, nhu cầu lương thực, thực phẩm và phi lương thực, thực phẩm… Bộ phận kỹ thuật đưa ra quan điểm dự kiến tăng thêm từ 8,4-14% trong giai đoạn từ nay đến năm 2020” - ông Doãn Mậu Diệp cho biết.

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, bộ phận kỹ thuật không phải là một đơn vị trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH mà là nhóm các chuyên gia được cử ra từ 3 bên: Bộ LĐ-TB&XH, Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) và Tổng LĐLĐ VN.

Theo đó, lộ trình tăng lương tối thiểu có thể theo 2 phương án: Chia đều trong năm 2019 và 2020; Tăng nhanh trong năm 2019 và năm 2020 sẽ tăng chậm.

Cũng theo ông Doãn Mậu Diệp, bóc tác tỉ lệ tăng ra từng năm, bộ phận kỹ thuật tính toán mức tăng khoảng 5,3% cho năm 2019. Mức đề xuất này cũng nằm ở khoảng gần giữa với đề xuất của Tổng LĐLĐ VN và VCCI tại Phiên đàm phán chiều 9/7.

Tuy nhiên, đây chỉ là sự tham vấn cho các bên đàm phán, mức chính thức sẽ dựa vào thực tế đàm phán giữa VCCI và Tổng LĐLĐ VN.

Được biết, bộ phận kỹ thuật có nhiệm vụ giúp việc cho Hội đồng tiền lương Quốc gia các vấn đề nội dung của phiên đàm phán. Các nghiên cứu, tổng hợp của bộ phận kỹ thuật sẽ tạo thêm thông tin giúp các bên cân đối.

“Do đó, phương án đề xuất tăng 5,3 % trong năm 2019 của bộ phận kỹ thuật sẽ là một kênh tham khảo, nghiên cứu cho các bên trong giai đoạn chờ phiên đàm phán lần 2” - ông Doãn Mậu Diệp nói.

Khó thu gọn khoảng cách 8 %

Trao đổi về diễn biến của Phiên đàm phán lần 1, chiều 9/7 tại Hà Nội, ông Doãn Mậu Diệp cho biết: “Tổng LĐLĐ VN đã đưa ra đề xuất tăng mức 7,5-8% so với lương tối thiểu 2018, nhằm đảm bảo đời sống người lao động. VCCI đề xuất không tăng với lý do dành nguồn lực cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp”.

Như vậy, khoảng cách 8 % giữa các bên sẽ là mốc đàm phán trong Phiên thứ 2, sau thời điểm này khoảng 2 tuần.

Tuy nhiên, việc thu hẹp khoảng cách của 2 bên là điều không dễ bởi quyền lợi của các bên. Trong đó, mỗi bên đều có những lý lẽ và dẫn chứng riêng.

Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia cho biết: “Nhà nước cũng thể hiện mục tiêu lồng ghép trong đàm phán, như: Cải thiện đời sống người lao động và nâng cao năng lực doanh nghiệp. Nhà nước không thể hy sinh quyền lợi của người lao động và cũng không thể hy sinh khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Chính sách phải hài hoà, giúp 2 bên cùng phát triển”.

Vậy trong cuộc đàm phán này, vai trò của Bộ LĐ-TB&XH, với tư cách đại diện Nhà nước là gì?

Theo ông Doãn Mậu Diệp, trong nền kinh tế thị trường, mối quan hệ lao động được xác lập giữa người sử dụng lao động và người lao động. Cả 2 bên đều là chủ thể đàm phán tương đương về quyền và nghĩa vụ.

“Nhà nước chỉ đứng ở vị trí trung gian và định ra “luật chơi” thông qua việc xây dựng cơ chế chính sách. Nhà nước thúc đẩy 2 bên thương lượng và thoả thuận. Trong đàm phán lương tối thiểu vùng, câu chuyện cũng như vậy” - ông Doãn Mậu Diệp giải thích.

Đánh giá về chất lượng của Phiên đàm phán lần đầu về lương tối thiểu 2019, ông Doãn Mậu Diệp cho biết: Phiên đầu tiên, các bên mới trình đề xuất điều chỉnh. Các bên đều có thiện chí lắng nghe ý kiến của nhau và chưa xuất hiện sự căng thẳng.

Bày tỏ quan điểm với tư cách cá nhân, ông Doãn Mậu Diệp cho rằng: “Mức tăng năm nay khó có thể bằng mức tăng của năm 2018. Bởi nhiều rủi ro còn tiềm ẩn với doanh nghiệp. Ngay thời điểm này, tỉ giá USD đang tăng nhanh. Doanh nghiệp xuất khẩu chịu nhiều thòi. Các bên cần phải có sự tương trợ và rốt cuộc sẽ tìm ra 1 phương án chung cuối cùng”.

Lương tối thiểu 2018 tăng từ 180.000-230.000 đồng trên 4 vùng lương

Năm 2017, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã thống nhất mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 6,5%, tương đương với mức từ 180.000 - 230.000 đồng trên 4 vùng lương.

Cụ thể:

Vùng 1: Lương tối thiểu tăng 230.000 đồng, từ 3,75 triệu đồng lên 3,98 triệu đồng.

Vùng 2: Lương tối thiểu tăng 210.000 đồng, từ 3,32 triệu đồng lên 3,53 triệu đồng.

Vùng 3: Lương tối thiểu tăng 190.000 đồng, từ 2,9 triệu đồng lên 3,09 triệu đồng. Vùng 4: Lương tối thiểu tăng 180.000 đồng, từ 2,58 triệu đồng lên 2,76 triệu đồng.

Hoàng Mạnh