1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lâm Đồng: Mê trồng dược liệu, lão nông kiếm nửa tỷ đồng mỗi năm

(Dân trí) - Thấy trồng cà phê quanh năm vất vả lại sẵn có “nghề” thuốc, ông Lê Văn Biết (58 tuổi, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) đã chuyển hướng sang trồng sâm. Qua nhiều lần thất bại, giờ đây ông đã có trong tay vườn cây dược liệu cho thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.

Tìm đến nhà ông Biết trồng dược liệu tại thôn Tầm Xá (xã Đông Thanh), khi 2 vợ chồng ông đang cắt sâm trong vườn. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là sự giản dị chân thành của vợ chồng ông, vừa cởi mở trò chuyện vừa dẫn chúng tôi đi thăm vườn sâm đương quy.

Ông Lê Văn Biết đang chăm sóc vườn đương quy của gia đình
Ông Lê Văn Biết đang chăm sóc vườn đương quy của gia đình

Ông Biết tâm sự, có sẵn “nghề” thuốc trong tay nên cách đây 4 năm, một người bạn rủ ông trồng cây dược liệu, lợi nhuận chia đôi. Làm chung được 1 năm, khi thu hoạch xong cây thuốc bạn ông cầm tiền lặn mất tăm. Khi đó, ông Biết rất buồn nhưng vẫn quyết định tiếp tục trồng cây dược liệu vì thấy tiềm năng của nó hơn trồng cà phê.

Lúc đầu trồng sâm vợ ông phản đối kịch liệt, có lần vợ ông còn "dọa" nếu ông cứ tối ngày chăm chăm với mấy cây thuốc bà ấy sẽ bỏ đi. Nhưng ông Biết vẫn quyết tâm thuyết phục vợ, rồi vợ ông cũng đồng ý cho ông trồng thử 1 năm.

Năm 2013, ông Biết quyết định phá bỏ 1ha đất cà phê để trồng cây sâm đương quy. Ban đầu sản lượng và chất lượng đương quy không được tốt lắm do ông chưa nắm được hết kỹ thuật cũng như cách chăm sóc.

Đương quy sau khi thu hoạch sẽ được sấy thành phẩm và cung cấp cho các thị trường dược liệu
Đương quy sau khi thu hoạch sẽ được sấy thành phẩm và cung cấp cho các thị trường dược liệu

Những năm đầu, chưa có gì thu vì đất đai đều trồng cây sâm đương quy nên gia đình ông rất khó khăn nhưng ông vẫn quyết tâm tìm hiểu thêm kỹ thuật chăm sóc để trồng được loại cây này. Qua đến năm thứ 2, sản lượng cũng như chất lượng sâm đương quy tăng lên, vợ ông đã nhận ra được lợi ích từ việc trồng sâm, thấy được giá trị kinh tế nên dần dần cũng ủng hộ chồng trồng sâm.

Với diện tích 1 ha, trước kia ông chủ yếu trồng sâm đương quy. Sau 5 năm, ông trồng thêm nhiều loại cây dược liệu khác như xuyên khung, hoàng kỳ, đẳng sâm. Hiện, 1ha sâm đương quy tương đương 10 vạn cây, cho sản lượng trên 30 tấn tươi.

Theo ông Biết, trồng cây sâm đương quy từ 12-15 tháng thì cho thu hoạch. Nếu chưa đủ 12 tháng mà thu hoạch thì chất lượng củ sâm không đảm bảo, chưa đủ lượng tinh dầu. Còn nếu để sâm đương quy quá 15 tháng củ sẽ bị xốp, mất đi lượng tinh dầu chất lượng cũng bị giảm hẳn. Vì vậy cây sâm đương quy phải thu hoạch đúng thời gian để đảm bảo năng suất cũng như chất lượng của cây.

“Về kỹ thuật trồng sâm đương quy, quan trọng nhất là khâu làm đất ban đầu. Trước khi xới đất phải bỏ vôi cùng phân chuồng, sau đó cho máy xới vào xới tung và đều. Tiếp theo là lên luống. Sau khi lên luống xong người trồng phải bỏ thuốc để phòng bệnh tuyến trùng rễ rồi mới xuống giống”, ông Biết chia sẻ thêm.

Hiện 1ha đương quy của gia đình ông Biết cho thu nhập hơn nửa tỷ đồng mỗi năm
Hiện 1ha đương quy của gia đình ông Biết cho thu nhập hơn nửa tỷ đồng mỗi năm

Khi biết ông Biết trồng được cây dược liệu và làm ra thành phẩm, các công ty thuốc đã đến thu mua với số lượng lớn. Bên cạnh đó, sản phẩm của ông còn cung cấp cho thị trường dược liệu ở Hà Nội, TPHCM.

Khi đã có đầu ra ổn định, tháng 10/2017, ông Lê Văn Biết đã thành lập Hợp tác xã dược liệu với 14 xã viên, trồng trên 20ha cây dược liệu ở các xã trong huyện Lâm Hà và Đơn Dương. Các sản phẩm dược liệu của các xã viên đều được ông Biết bao tiêu với giá ổn định.

Hiện, mỗi sào (1.000m2) cây dược liệu của gia đình ông Biết cho thu nhập bình quân 60 triệu đồng, sau khi đã trừ chi phí. Như vậy, mỗi năm gia đình ông thu lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng. Dự kiến sang năm 2018, gia đình ông Biết sẽ mở rộng diện tích lên 3ha trồng dược liệu để có đủ hàng cung cấp cho thị trường.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế, xã hội từ việc trồng cây dược liệu của lão nông Lê Văn Biết, UBND huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) đã hỗ trợ xây dựng một kho lạnh với công suất bảo quản 40 tấn nguyên liệu khô cho Hợp tác xã của ông.

Ngọc Hà