“Không phải ai ở quân đội về hưu lương cũng cao”

Đại biểu (ĐB) Quốc hội Nguyễn Anh Sơn nói như vậy tại buổi thảo luận ở hội trường khi Quốc hội thảo luận về dự Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân viên chức quốc phòng chiều 12.11.

ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) phát biểu tại hội trường. Ảnh: VPQH
ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) phát biểu tại hội trường. Ảnh: VPQH

Công nhân viên chức quốc phòng ra quân chỉ hưởng 65% lương

Theo ĐB Sơn, quân nhân chuyên nghiệp và công chức quốc phòng thực tế là cấu thành nằm trong biên chế của Quân đội nhân dân Việt Nam, có vị trí quan trọng trong xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ từng bước hiện đại. Bộ phận này đang ngày đêm trực tiếp và gián tiếp thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu.

Theo ĐB Sơn, hiện chế độ chính sách, quyền lợi với đội ngũ này còn nhiều bất cập, có thể nói khá thiệt thòi. Ngay trong một đơn vị cùng vị trí công tác và điều kiện làm việc như nhau, nhiệm vụ và chất lượng thực ra không khác nhau mấy nhưng chế độ chính sách giữa các đối tượng rất khác nhau. Chế độ về lương, thời gian công tác đến nghỉ hưu hưởng lương hưu không cao.

“Nhiều khi trong dân sự ta cứ hiểu anh nào trong quân đội về hưu thì lương cao cả. Không phải như vậy, chỉ những sĩ quan có số, thời gian công tác dài, lương còn khá một chút, chứ công nhân viên chức quốc phòng ra quân có khi chỉ hưởng 65%, thậm chí còn thấp hơn vì nghỉ sớm phải trừ đóng bảo hiểm”, ĐB Sơn nói.

Đề cập ý kiến băn khoăn cho rằng luật này ra đời sẽ hưu đãi cho quân nhân chuyên nghiệp và công nhân viên chức quốc phòng thì có chi thêm ngân sách hay không, ĐB Sơn cho biết: “Tôi đã hỏi và lãnh đạo Bộ Quốc phòng nói không thêm. Có chăng là anh em có thời gian công tác dài hơn, cống hiến tốt hơn, quân đội đỡ lãng phí nhân lực được đào tạo, khi nghỉ hưu người ta được hưởng mức lương khá hơn”.

Băn khoăn công nhân chuyên nghiệp được hưởng phụ cấp nhà công vụ

Còn ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị, điều chỉnh lại cơ chế chính sách cho quân nhân chuyên nghiệp để phù hợp với tính chất đặc thù, ở vị trí có vai trò quan trọng, trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu, lĩnh vực kỹ thuật cao phải được ưu tiên, còn lĩnh vực bình thường gần như viên chức, công chức thì cũng cần xem xét có cơ chế chính sách phù hợp, không nên cào bằng tất cả đều giống nhau.

Ông Phương đề nghị, cần xem xét (Điều 39, Điều 40) về trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với quân nhân chuyên nghiệp. Được chính quyền địa phương hợp pháp đăng ký thường trú tạo điều kiện ổn định cuộc sống thì có thể làm được.

Nhưng trường hợp chưa có nhà ở thì được hưởng chính sách về nhà ở xã hội- điều này vô cùng khó. Điều 46 trách nhiệm chính quyền địa phương là ưu tiên tiếp nhận, đào tạo nghề, bố trí làm việc đối với quân nhân. Lĩnh vực này không thể thực hiện được ở địa phương cấp xã, vì cấp xã hiện nay tất cả tuyển dụng đều do huyện, tỉnh. Tuyển dụng đều qua thi cử thì làm sao xã có điều kiện bố trí việc làm đối với quân nhân hoặc có chính sách ưu tiên bổ nhiệm...

Nếu đưa điều kiện này vào, khi công nhân viên chức xuất ngũ về đòi hỏi xã thì xã không thể thực hiện được.

“Luật cần cân nhắc đảm bảo xứng đáng chính sách cho quân nhân quốc phòng nhưng tránh lạm dụng chính sách, gây phản ứng trong xã hội do thiếu công bằng. Ví dụ Luật xây dựng quy định Thứ trưởng mới có nhà công vụ, còn luật này lại quy định, công nhân chuyên nghiệp được hưởng phụ cấp nhà ở, lại được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, thuê nhà công vụ. Do vậy cần xem xét lại quy định này” – ông Phương nói.

Theo Báo Lao động