1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hơn 2.000 tỉ đồng nợ BHXH khó đòi, 193.000 lao động bị ảnh hưởng

(Dân trí) - Theo ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, số nợ BHXH, BHYT, BHTN đã lên tới gần 12.000 tỷ đồng. Đặc biệt, hơn 2.000 tỉ đồng nợ BHXH từ các doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc chủ doanh nghiệp bỏ trốn. Trong khi đó, công tác khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH đang bế tắc.


Ảnh vov.vn

Ảnh vov.vn

Phát biểu tại Quốc hội hôm 7/11, ông Bùi Văn Văn Cường lo ngại việc hơn 2.000 tỉ đồng nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và bảo hiểm y tế (BHYT) khó đòi từ các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, tồn tại cầm chừng hoặc chủ doanh nghiệp bỏ trốn, không thể thu hồi, đang làm ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của hơn 193.000 người lao động.

Liên quan tới công tác khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, đại diện Tổng LĐLĐ VN cho biết: Một số doanh nghiệp sau khi nhận được thông báo khởi kiện đã khắc phục số tiền nợ. Từ tháng 1.2016 đến nay, tổng số tiền nợ thu hồi được xấp xỉ 600 tỉ đồng.

Sau gần 2 năm thực hiện quy định tổ chức công đoàn khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH theo quy định của Luật BHXH năm 2104, các cấp công đoàn đã tiếp nhận 2.705 bộ hồ sơ do cơ quan bảo hiểm xã hội chuyển sang.

Trong đó, khoảng 20 liên đoàn lao động tỉnh, thành phố đã gửi đơn khởi kiện đến các cấp Tòa án 187 vụ doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, số còn lại không gửi nữa do không được thụ lý giải quyết.

Trong 187 vụ do công đoàn khởi kiện, Tòa án nhân dân các cấp đã hòa giải thành 28 vụ, tòa án cấp huyện ở 1 tỉnh (Long An) thụ lý 2 vụ, 48 vụ trả lại hồ sơ. Số còn lại tòa án không thụ lý giải quyết với 3 nhóm lý do chủ yếu sau.

Lý do đầu tiên vì không có giấy ủy quyền những người lao động hoặc công đoàn cơ sở, cho công đoàn cấp trên cơ sở khởi kiện.

Theo ông Bùi Văn Cường, điều này rất khó thực hiện ở công đoàn cơ sở, người lao động tại doanh nghiệp không thể và không dám ủy quyền cho công đoàn cấp trên cơ sở khởi kiện chính doanh nghiệp mình. Nếu làm điều này đồng nghĩa với nguy cơ cao sẽ mất việc làm.

Ngoài ra, việc bế tắc trong khởi kiện còn do vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án và đề nghị xem xét xử lý hành chính hoặc hình sự.

Lý do thứ ba, việc tranh chấp lao động tập thể về quyền chưa được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN thừa nhận, việc tòa án không thụ lý các vụ khởi kiện nợ bảo hiểm xã hội, do còn vướng mắc trong các quy định của pháp luật, đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động, làm cho số nợ bảo hiểm xã hội tiếp tục gia tăng.

"Trong khi đó, việc doanh nghiệp trốn đóng, nợ bảo hiểm xã hội (trong đó không ít doanh nghiệp hàng tháng vẫn trừ một phần tiền lương đều đặn của người lao động với lý do để đóng bảo hiểm xã hội) không chỉ xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, mà còn tác động xấu đến sự an toàn, cân đối nguồn quỹ và đảm bảo an sinh xã hội” - ông Bùi Văn Cường cho biết.

Tổng LĐLĐ VN kiến nghị liên quan tới khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH

- Đề nghị Quốc hội giao cho các cơ quan có liên quan rà soát các quy định pháp luật hiện hành về xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT. Nếu có những quy định chưa cụ thể, còn có cách hiểu khác nhau, cần giải thích để thống nhất áp dụng, thì cần nghiên cứu, giải thích pháp luật theo thẩm quyền.

Nếu các quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo hoặc có khoảng trống, Quốc hội cần giao Chính phủ tổng hợp, trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung luật.

- Ngành BHXH VN, ngành LĐ-TB&XH, chính quyền các cấp cần làm tốt hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về trốn đóng, nợ bảo hiểm xã hội theo thẩm quyền.

- Bộ Công an chỉ đạo Công an các cấp nắm tình hình, phối hợp với tổ chức Công đoàn phát hiện, điều tra, đề nghị truy tố một số vụ án điểm về trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo Điều 216 Bộ luật Hình sự.

- Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn, chỉ đạo Tòa án nhân dân các cấp tiếp nhận, thụ lý các vụ Công đoàn khởi kiện về nợ bảo hiểm xã hội và sớm đưa ra xét xử một số vụ để răn đe, phòng ngừa, cảnh báo các hành vi tương tự.

Hoàng Mạnh

Tin liên quan:

Nghệ An: Phát hiện làm giấy tờ giả để trục lợi BHYT

Những lao động này có thời gian đóng BHXH tính đến ngày sinh chưa đủ 6 tháng. Để hợp lí hồ sơ thanh toán chế độ thai sản, các sản phụ đã xin cấp lùi giấy khai sinh, giấy chứng sinh hoặc sửa trích lục giấy khai sinh để trục lợi.

Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An tỉnh Nghệ An vừa yêu cầu BHXH huyện Quỳ Hợp và BHXH TP Vinh thu hồi số tiền thai sản đã chi trả cho 4 lao động nữ. Số tiền phải thu hồi là hơn 88,5 triệu đồng. Trước đó, quá trình kiểm tra công tác thanh toán chế độ thai sản, cơ quan BHXH tỉnh Nghệ An phát hiện có 4 trường hợp có giấy khai sinh, chứng sinh trong hồ sơ không đúng với dữ liệu hệ thống thông tin giám định BHYT của các đơn vị. Các lao động nữ này có thời gian đóng BHXH chưa đủ 6 tháng đến thời điểm sinh nên đã xin cấp lại giấy khai sinh, giấy chứng sinh, sửa lại thời điểm sinh con để trục lợi chế độ thai sản. Bên cạnh yêu cầu thu hồi tiền thai sản đã chi trả đối với 4 trường hợp trên, BHXH tỉnh Nghệ An cũng gửi công văn đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nghiêm túc việc cấp giấy ra viện, giấy chứng sinh, giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH theo đúng quy định; đề nghị UBND các huyện Quỳ Hợp, Thanh Chương và Đô Lương chỉ đạo xử lý theo quy định đối với các tập thể, các nhân có liên quan đến việc cấp giấy chứng sinh, trích lục giấy khai sinh sai quy định các trường hợp nói trên.

H.L