Hà Nội quản lý xe ôm bằng thẻ hành nghề được không?

Đề xuất ban hành quy định người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe môtô 2 bánh… phải đăng ký kinh doanh, đeo thẻ hoạt động vận chuyển do cơ quan có thẩm quyền cấp từ đầu năm 2021 đã có nhiều ý kiến trái chiều.

Sở GTVT Hà Nội vừa đưa ra Dự thảo “Quy định về quản lý và sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe môtô hai bánh và các loại tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
 
Trong đó, có nêu: “Kể từ ngày 1/1/2021, người hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hoá bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh và các loại xe tương tự trên địa bàn thành phố Hà Nội phải mang biển hiệu (thẻ hoạt động vận chuyển) do cơ quan có thẩm quyền cấp tại vị trí ngực áo bên trái".
 
Hà Nội quản lý xe ôm bằng thẻ hành nghề được không? - 1

Ảnh minh họa 

Ngoài ra, Dự thảo cũng yêu cầu lái xe phải có chứng nhận đăng ký kinh doanh, hộ khẩu thường trú hoặc giấy tạm trú tại nơi đăng ký hành nghề; có đăng ký vận chuyển hành khách, hàng hóa...
 
Ngay sau khi Dự thảo được thông tin trên báo chí, chủ đề này nhanh chóng được bàn tán với nhiều ý kiến trái chiều. Ông Thành (lái xe ôm trên phố Trần Khánh Dư) cho rằng: “Đây là quy định không khả thi và tốn thời gian cho anh em lái xe”.
 
Bản thân ông Thành là thương binh, công việc hàng ngày chở xe ba gác. Chỉ có chiều muộn ông mới ra đây để đón khách kiếm thêm thu nhập. “Mỗi ngày làm khoảng 3- 4 tiếng mà bắt đăng ký kinh doanh, làm thẻ thì quá phiền phức”, ông Thành nói.
 
Trong khi đó, một số lái xe ở các khu vực bến xe tại Hà Nội lại tỏ ra đồng tình với quan điểm của Sở GTVT. Một lái xe ôm trên tại Bến xe Giáp Bát cho biết, ở đây có tổ xe ôm chuyên phục vụ bến xe. Mỗi lái xe đều có số điện thoại, đồng phục để nhận diện. Có như vậy khách hàng rất yên tâm khi lên xe.
 
Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát cho biết thêm, các lái xe hoạt động tại bến đều làm hợp đồng với một doanh nghiệp được cấp phép. Từ khi doanh nghiệp hoạt động tại bến, những vụ tranh giành, “chặt chém” khách gần như không còn. Theo ông Thành, nếu Hà Nội có thể quản lý xe ôm tự do thì rất tốt, tránh rủi ro cho khách hàng.
 
Cần lộ trình phù hợp
 
Trao đổi với PV, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, Bộ GTVT chưa có quy định cụ thể về hoạt động kinh doanh vận tải đối với xe gắn máy. Sở cũng không quy định phải cấp giấp phép kinh doanh vận tải mà là đăng ký hộ kinh doanh cá thể tại địa phương.
 
Theo quy định của pháp luật, kinh doanh bất cứ mặt hàng gì có thu tiền phải đăng ký kinh doanh, nộp thuế cho nhà nước theo thu nhập. Khi đăng ký tại địa phương, các địa phương sẽ quản lý được đầy đủ người hành nghề xe ôm và cấp thẻ hành nghề cho họ.
 
Theo vị này, viêc gắn thẻ sẽ gắn trách nhiệm cá nhân của mỗi người làm kinh doanh trong việc thực hiện công việc của mình. Kể cả trong vận chuyển hành khách hay hàng hóa, nếu có đơn vị quản lý, chắc chắn khách hàng sẽ được lợi, tránh được rủi ro khi có sự cố xảy ra.
 
Tương tự như các hãng xe công nghệ như Grab, GoViet… đang sử dụng công nghệ để quản lý các xe của họ. Ngoài ra, còn thu được thuế cho ngân sách nhà nước.
 
Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, đây mới chỉ là dự thảo, Sở đang tiếp thu những góp ý từ các nhà chuyên môn, người dân, các cơ quan báo chí… để hoàn thiện dự thảo.
 
TS. Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, việc ban hành dự thảo, đề xuất quản lý chặt chẽ hơn nhóm đối tượng hành nghề vận chuyển hành khách, hàng hoá bằng xe gắn máy là cần thiết. Tuy nhiên, để có thể áp dụng trong thực tế, nhận được sự ủng hộ của người dân thì vẫn cần có thêm một lộ trình phù hợp, linh hoạt.
Theo Trần Hoàng/Báo Tiền phong