1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Giải quyết thôi việc cho viên chức mắc bệnh hiểm nghèo

Ông  Lê Văn To là giáo viên trường THCS Lục Sĩ Thành (huyên Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long), có thời gian công tác 22 năm 6 tháng. Ông To bị u não, nhập viện ngày 20/9/2018 tại bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM). Ngày 22/9/2018, ông được phẫu thuật.

Ngày 18/9/2018, Hiệu trưởng Trường triệu tập cuộc họp Ban Chấp hành công đoàn (BCHCĐ) cử người vận động gia đình ông To viết đơn xin thôi việc cho ông. Vợ của ông To trong lúc bối rối đã giao hết cho trường. Nhà trường làm sẵn đơn xin thôi việc, đưa vợ ông ký tên nhưng ông To không biết việc này.

Căn cứ đơn xin thôi việc đó, Hiệu trưởng Trường cùng Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Nội vụ trình UBND huyện Trà Ôn ký quyết định cho ông To thôi việc từ ngày 2/10/2018. Mọi chế độ như lương, BHYT… của ông bị cắt.

Ông To hỏi, việc làm của Hiệu trưởng Trường THCS Lục Sĩ Thành, Phòng Giáo dục và Đào tạo và UBND huyện Trà Ôn có đúng quy định không? Ông phải khiếu nại thế nào?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề ông To hỏi như sau:

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 38 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, viên chức được giải quyết cho thôi việc nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

- Viên chức có đơn tự nguyện xin thôi việc được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản;

- Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn đơn phương chấm dứt hợp đồng (phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày); trường hợp ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 6 tháng liên tục (phải báo trước ít nhất 3 ngày);

- Đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc không xác định thời hạn với viên chức bị ốm đau đã điều trị 12 tháng liên tục (phải báo trước ít nhất 45 ngày).

Chế độ khi viên chức mắc bệnh hiểm nghèo

Viên chức được giải quyết thôi việc theo một trong các trường hợp nêu trên sẽ được trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 39 của Nghị định này, theo đó trợ cấp thôi việc đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 31/12/2008 trở về trước cứ mỗi năm làm việc được tính bằng ½ tháng lương hiện hưởng, gồm: Mức lương theo chức danh nghề nghiệp, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có). Trường hợp viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2003, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31/12/2008.

Ngoài việc viên chức thôi việc được hưởng trợ cấp thôi việc, còn được được xác nhận thời gian có đóng BHXH theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Điểm c, Khoản 1 Điều 60 Luật BHXH , hướng dẫn tại Khoản 1, Điều 4 Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế, người lao động, cán bộ, công chức, viên chức thôi việc trong trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo nguy hiểm tính mạng như: Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS đồng thời không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn, thì được hưởng chế độ BHXH một lần.

Mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau: 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Xác định trường hợp vợ được đại diện cho chồng

Khoản 3, Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình quy định, vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được Tòa án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật thì người đó phải tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ có liên quan.

Theo ông Lê Văn To phản ánh, ông là giáo viên trường THCS Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, có thời gian công tác 22 năm 6 tháng theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, bất ngờ phát hiện khối u não, ngày 20/9/2018 vào bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) điều trị. Ngày 22/9/2018, được các bác sĩ phẫu thuật.

Được tin ông To mắc bệnh u não, ngày 18/9/2018, Hiệu trưởng Trường triệu tập họp Ban chấp hành công đoàn, cử người vận động gia đình ông To xin thôi việc cho ông. Một cô giáo trong Ban chấp hành công đoàn đưa một đơn xin thôi việc đánh máy sẵn cho vợ ông ký đơn trong tâm trạng bối rối hoang mang, không có sự ủy quyền của ông. Bản thân ông To không biết gì về việc vợ ký đơn xin thôi việc cho ông.

Đơn xin thôi việc được Hiệu trưởng Trường chuyển lên Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Nội vụ. Ngày 2/10/2018, UBND huyện Trà Ôn đã ký quyết định thôi việc đối với ông Lê Văn To.

Nếu sự việc đúng như ông To phản ánh, thì đơn xin thôi việc do vợ ông ký không hỏi ý kiến ông, không được ông ủy quyền, vợ ông To không thuộc trường hợp đại diện cho chồng theo quy định tại Khoản 3, Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình.

Đơn xin thôi việc không phải là ý chí, nguyện vọng của ông To, trong khi ông To chưa mất khả năng tự chủ hành vi cần phải có người đại diện. Đặc biệt là ông To đang trong giai đoạn điều trị, cần được hưởng chế độ trợ cấp ốm đau, chế độ BHYT. Do đó, đơn xin thôi việc này không có giá trị pháp lý.

Trên thực tế, đã có nhiều người khi mắc bệnh hiểm nghèo, sau một thời gian điều trị, có tiên lượng sự sống không thể kéo dài, đã tự nguyện hoặc được cơ quan, tổ chức, đơn vị gợi ý theo hướng có lợi là làm đơn xin thôi việc để được hưởng chế độ thôi việc, chế độ BHXH một lần nhằm giảm bớt gánh nặng về tài chính cho bản thân và gia đình lúc điều trị bệnh tật và khi qua đời.

Tuy nhiên, đơn xin thôi việc phải thể hiện đúng ý chí, nguyện vọng của họ, do chính họ ký hoặc đại diện theo ủy quyền ký. Trong trường hợp khi cái chết cận kề, thì người vợ có thể đại diện chồng, nhưng việc vợ đại diện thực hiện các giao dịch liên quan đến quyền nghĩa vụ của chồng trong quan hệ lao động việc làm phải phù hợp với ý chí, nguyện vọng của chồng.

Theo luật sư, việc Trường THCS Lục Sĩ Thành căn cứ vào đơn xin thôi việc do vợ ông To ký để chấm dứt hợp đồng làm việc; Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Nội vụ trình UBND huyện Trà Ôn ra quyết định thôi việc đối với ông Lê Văn To là không phù hợp quy định về thủ tục giải quyết thôi việc đối với viên chức.

Ông Lê Văn To có quyền khiếu nại việc ông bị chấm dứt hợp đồng làm việc, quyết định thôi việc đối với ông. Đơn khiếu nại gửi tới người có thẩm quyền giải quyết là Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn.

Người có thẩm quyền ban hành quyết định cần thiết thu hồi quyết định thôi việc đối với ông To. Hiệu trưởng Trường PTCS Lục Sĩ Thành cần phục hồi hợp đồng làm việc với ông To, bảo đảm chế độ BHXH, trợ cấp ốm đau, chế độ BHYT đối với ông trong thời gian điều trị bệnh tật.

Theo Chinhphu.vn

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.