1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Giá trị Nhật Bản: Không chỉ là bán xăng!

Chưa có một thống kê cụ thể nào nhưng rất nhiều người Việt Nam là “tín đồ” Nhật Bản. Họ coi mọi thứ thuộc về Nhật Bản và do Nhật Bản làm ra đều là chuẩn mực.

Thần tượng đất nước và con Nhật Bản chẳng có gì đáng ái ngại, họ có nhiều cái hay để thế giới học tập và chúng ta cũng mong muốn được học và học được những giá trị mang thương hiệu đất nước mặt trời mọc.

Đó là gì? Là công nghiệp xe hơi Nhật, là nông nghiệp kiểu Nhật, là ẩm thực Nhật, là tinh thần vượt khó, là bản lĩnh con người Nhật… nói chung là các giá trị Nhật Bản đã mang tính phổ quát.

Ông chủ trạm xăng Idemitsu Q8 đội mưa cúi đầu chào khách hàng.
Ông chủ trạm xăng Idemitsu Q8 đội mưa cúi đầu chào khách hàng.

Người Nhật luôn khác biệt, kể cả khi… bán xăng! Đó là thứ văn hóa kinh doanh đã ăn vào máu của họ chứ không phải là trò PR mang tính thời vụ. Hình ảnh ông chủ trạm xăng Idemitsu Q8 đội mưa cúi đầu chào khách hàng là ấn tượng đầu tiên chạm vào “túi tiền” của họ.

Không có gì gọi là ngợi ca quá đáng khi mà người Nhật vốn xứng đáng được nhận những lời có cánh, hãy nhìn những giá trị mà họ tạo ra, đó là bằng chứng.

Slogan “khách hàng là thượng đế” nổi đình nổi đám trong kinh doanh ai cũng thuộc nhưng ít người biết nó là sản phẩm đúc kết của người Nhật. Yoshida Tadao - người sáng lập Công ty Khóa kéo YKK, từng nói: “Không suy nghĩ cho lợi ích của khách hàng thì doanh nghiệp không thể làm ăn phát đạt. Muốn có lợi thì trước hết ta phải gieo mầm thiện cho người cái thiện, sau đó cái thiện sẽ báo đáp ta”.

Sự hiện diện của người Nhật ở Việt Nam không có gì là mới mẻ, thậm chí có nhiều điều làm ta cảm tưởng họ còn hiểu ta hơn chính mình. Điều đó thể hiện mối bang giao tốt đẹp giữa Chính phủ và nhân dân hai nước. Nhưng hễ mỗi lần có một công trình “made in Jappan” mọc lên ở Việt Nam thì đều kèm theo sự trầm trồ, yên tâm về chất lượng. Có thể lấy vì dụ như cầu Nhật Tân, nhà ga T2 Sân bay Nội Bài…đều là những biểu tượng về chất lượng, thẩm mỹ và cả sự trong sáng.

Sự kiện người Nhật đầu tư bán xăng ở Việt Nam cũng vậy, trạm xăng dầu là thứ mà chúng ta có thể thấy rất nhiều kể cả nông thôn, vùng sâu vùng xa, nhưng với trạm xăng Idemitsu Q8 của Nhật (tại Hà Nội) lại gieo vào ý nghĩ nhiều người sự an tâm, khác lạ. Có phải vì họ cam kết bán đúng đến 0,01 lít và đội ngũ nhân viên được đào tạo chuẩn Nhật?

Có ai đó đặt câu hỏi là vì sao người Nhật không đầu tư cái khác mà lại bán xăng ở Việt Nam, trong khi ở trong nước Petrolimex đã làm “ông trùm” từ xa xưa? Dĩ nhiên người Nhật không cảm tính, mà có lẽ họ đã thấy được cung cách kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam đang thiếu đi cái gọi là “văn hóa”, “trung thực” và “chất lượng”…?

Có phải đó là mấu chốt vấn đề để tập đoàn Idemitsu tung ra chiêu độc “cam kết bán chính xác đến 0,01 lít” đánh một phát trúng ngay vào tâm lý khách hàng!?

Hẳn nhiên, điều đó có liên quan đến văn hóa kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam, đó là tình trạng ăn gian “móc túi” khách hàng, người mua xăng tuyệt nhiên không biết chắc mình đã được bán đúng hay không trừ khi có biện pháp nghiệp vụ của cơ quan chức năng, có hàng trăm, hàng ngàn vụ việc như thế bị lôi ra ánh sáng.

Sự xuất hiện của tập đoàn IQ8 tại Việt Nam trong lĩnh vực bán lẻ xăng dầu là tín hiệu vui cho người tiêu dùng, mang làn gió mới vào văn hóa kinh doanh, điều này hoàn toàn có cơ sở vì với người Nhật họ không ấu trĩ đến mức bán uy tín thương hiệu để thu cái lợi “vụn vặt”.

Theo Trương Khắc Trà/Báo Diễn đàn Doanh nghiệp