Tổng Liên đoàn lao động VN:

Đổi mới ra sao khi có thêm tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở?

(Dân trí) - “Tổ chức mới này sẽ tác động trực tiếp đến công tác phát triển đoàn viên và xây dựng công đoàn cơ sở, quyền đại diện và bảo vệ cho người lao động với người sử dụng lao động tại nơi làm việc, quyền tham gia tố tụng và bảo vệ người lao động…”.

Ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, trao đổi với báo giới về những thách thức, tác động khi hình thành tổ chức đại diện của người lao động ở cơ sở tới hoạt động của tổ chức công đoàn hiện nay, khi VN thực thi các cam kết của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Đây cũng là thời điểm, các cấp công đoàn trong toàn quốc đang tổ chức kỷ niệm 130 năm ngày Quốc tế lao động (1/5/1886 - 1/5/2016).

Thách thức không nhỏ

Thẳng thắn chia sẻ nhận định về những tác động trực tiếp đối với hoạt động của Tổng LĐLĐ VN, ông Bùi Văn Cường cho biết: “Việc hình thành tổ chức mới này còn phần nào tác động đến quyền đại diện cho người lao động trong cơ chế giữa người lao động và chủ sử dụng lao động; giữa người lao động, chủ sử dụng lao động và cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài ra, còn tác động trực tiếp đến việc thu, chi tài chính công đoàn...”.

Theo những cam kết khi VN gia nhập và thực thi Hiệp định TPP, trong các doanh nghiệp sẽ có thể thành lập tổ chức đại diện cho người lao động.


Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Bùi Văn Cường (hàng đầu, ngoài cùng bên phải) tới thăm CN mỏ Hà Lầm, Quảng Ninh.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Bùi Văn Cường (hàng đầu, ngoài cùng bên phải) tới thăm CN mỏ Hà Lầm, Quảng Ninh.

“Khi đó, người lao động có thể tự thành lập tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp, theo quy định của Điều 17 Điều lệ Công đoàn năm 2013. Tổ chức này có thể gia nhập và trở thành thành viên trong cơ cấu tổ chức của Tổng LĐLĐ VN, có tư cách là tổ chức chính trị xã hội” - ông Bùi Văn Cường cho biết.

Tuy nhiên, theo đại diện của tổ chức công đoàn, tổ chức này cũng có quyền không gia nhập Tổng LĐLĐ VN và tự đăng ký hoạt động độc lập khi được cơ quan quản lý nhà nước thẩm định và công nhận.

“Điều đó đặt ra yêu cầu ngày càng cao hơn với Tổng LĐLĐ VN trong việc tập hợp, đoàn kết được đông đảo công nhân lao động. Đồng thời, hoạt động của công đoàn hiện nay cần phải thiết thực và hiệu quả hơn, phải quan tâm, chăm lo nhiều hơn đến việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động” - ông Bùi Văn Cường cho biết.

Đặc biệt, Tổng LĐLĐ VN cần tăng cường việc tham mưu đề xuất kịp thời để Đảng, Nhà nước thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hỗ trợ, giúp đỡ cho tổ chức công đoàn và chăm lo cho người lao động.

Tăng cường đổi mới

“Trong bối cảnh VN gia nhập Hiệp định TPP, hội nhập đầy đủ vào cộng đồng Asean, hệ thống công đoàn với hơn 9 triệu đoàn viên phải đổi mới toàn diện hơn, thu hút người lao động tự nguyện đến với tổ chức công đoàn, đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên với mục tiêu 10 triệu đoàn viên do Đại hội XI đề ra”- Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Bùi Văn Cường cho biết.

Theo đại diện tổ chức công đoàn VN, để có thể thực hiện các giải pháp đổi mới thành công, Tổng LĐLĐ VN bước đầu sẽ thực hiện nhiều mô hình thí điểm về việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của từng cấp công đoàn. “Điểm trọng tâm vẫn nhằm đảm bảo thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp”.

Dự kiến sáng nay (30/4), tại Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ có cuộc gặp gỡ với khoảng 3.000 công nhân đến từ 8 tỉnh, thành: Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước. Những vấn đề được người lao động đự định chia sẻ với Thủ tướng là: Thu nhập, tiền lương, nhà ở, hoạt động văn hóa thể thao, đào tạo nâng cao trình độ làm việc của người lao động…

Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ VN sẽ quyết liệt chỉ đạo toàn bộ hệ thống công đoàn dồn lực cho công đoàn cơ sở, hướng dẫn và hỗ trợ công đoàn cơ sở thực hiện tốt vai trò, chức năng của mình trong việc tham gia có hiệu quả với người sử dụng lao động về xây dựng chính sách tiền lương tại doanh nghiệp.

Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể giữa công đoàn và người sử dụng lao động với trọng tâm là tiền lương, thu nhập, thời giờ làm việc và nghỉ ngơi, đời sống tinh thần. “Đặc biệt, Tổng LĐLĐ VN sẽ tăng cường giám sát, phối hợp với người sử dụng lao động cải thiện chất lượng bữa ăn ca của người lao động. Qua đó, góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sức khỏe và thể trạng của người lao động…” - Chủ tịch Bùi Văn Cường nói.

Bàn về nội dung tăng lương tối thiểu vùng - một trong những vấn đề thời sự trong đời sống của hàng triệu người lao động - Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Bùi Văn Cường nhận định: Kết quả khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ VN) trong năm 2015, lương tối thiểu chỉ mới bảo đảm từ 78% - 83% mức sống tối thiểu của người lao động.

“Nhiều doanh nghiệp trả lương cho người lao động cao hơn khoảng 10 - 12% mức lương tối thiểu vùng. Để có được mức thu nhập tạm đủ sống, người lao động phải chấp nhận thường xuyên tăng ca, làm việc từ 10 - 12 giờ mỗi ngày” - Chủ tịch Bùi Văn Cường cho biết.

Theo Tổng LĐLĐ VN, mức lương thực tế của người lao động còn thấp nên chưa đáp ứng được việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Tiền lương chưa đủ sống hiện nay cũng là nguyên nhân chính lý giải vì sao ngừng việc tập thể, đình công vẫn là một hiện tượng thường xuyên diễn ra thời gian qua, đặc biệt là ở các khu công nghiệp.

“Thời gian tới, Tổng LĐLĐ VN sẽ tăng cường hơn nữa sự tham gia với tư cách là một thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia, nhằm góp phần đưa ra mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu hợp lý cho người lao động” - ông Bùi Văn Cường cho biết.

“Tổng LĐLĐ VN sẽ kiến nghị với Quốc hội sớm ban hành Luật Tiền lương tối thiểu. Đạo luật này sẽ giúp người lao động được đảm bảo mức sống tối thiểu và thúc đẩy năng suất lao động. Tổng LĐLĐ VN cũng sẽ kiến nghị với Đảng, Nhà nước ban hành các chính sách về nhà ở, giáo dục, y tế, các thiết chế văn hóa, tinh thần cho người lao động, đặc biệt là tại các KCN, KCX” - ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, cho biết.

Hoàng Mạnh