1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Do Covid-19, nghề nuôi tằm Lâm Đồng lao đao vì cạn trứng giống

Nguồn trứng tằm giống phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc, vì vậy khi Covid-19 hoành hành tại đất nước đông dân nhất thế giới thì nghề trồng dâu nuôi tằm tại Lâm Đồng đã bị ảnh hưởng rất nhiều.

Với hơn 14.500 hộ dân làm nghề nuôi tằm cùng diện tích gần 8.300ha dâu, mỗi năm người dân tại tỉnh Lâm Đồng cần khoảng 270.000 hộp trứng tằm giống. Tuy nhiên, vừa qua, tại đất nước Trung Quốc, dịch bệnh viêm phổi cấp do Covid-19 gây ra đã khiến cho nguồn trứng tằm giống tại Lâm Đồng bị thiếu hụt.

Khảo sát tại huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) nhiều hộ dân tại địa phương đang phải nuôi với số lượng ít để chờ tằm giống, do đó số lượng dâu cũng bị già héo và rụng lá dần.

Tại cơ sở cung cấp trứng tằm Trung Quốc Ngợi Dung, bà Nguyễn Thị Dung (thôn 6, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà) cho biết, cơ sở của bà lấy trứng tằm tại một người khác chuyên lấy hàng tại Trung Quốc, trước đây lấy hàng khá đơn giản, tuy nhiên hiện nay số lượng đang bị giảm mạnh.

Do Covid-19, nghề nuôi tằm Lâm Đồng lao đao vì cạn trứng giống - 1

Hiện nay, nguồn trứng tằm giống đang bị thiếu hụt tại Lâm Đồng do phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

“Trước đây, chỉ cần đặt trước, lấy bao nhiêu cũng có. Thời điểm trước tết, cơ sở của tôi lấy khoảng 500-600 hộp trứng tằm giống mỗi tháng, tuy nhiên, hiện tại chỉ có khoảng 200 hộp. Trước đây 7 tuần là chúng tôi nhập một lần, nhưng giờ phải hơn 10 ngày mới lấy được hàng. Một phần do dịch bệnh Covid-19, một phần do thời điểm này là mùa khô người dân không có nước tưới nên sản lượng dâu giảm sút, không có dâu thì người ta cũng hạn chế lại việc đặt tằm giống”, bà Dung chia sẻ.

Do Covid-19, nghề nuôi tằm Lâm Đồng lao đao vì cạn trứng giống - 2

Mỗi tháng cơ sở của bà Dung lấy từ 500-600 hộp trứng tằm giống, nhưng hiện tại giảm xuống chỉ có 200 hộp.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Chiến – Tổ trưởng Làng nghề dâu tằm tơ Đông Anh 3, thị trấn Nam Ban (huyện Lâm Hà) cũng cho biết: “Hiện nay, nguồn giống tằm của chúng ta phụ thuộc chủ yếu vào Trung Quốc, vì vậy bên họ có dịch thì việc xuất trứng tằm tằm giống cũng khó khăn. Việc trứng tằm về lâu khiến cho nguồn dâu tằm không tiêu thụ được, lá bị già, mà lá già thì tằm dễ bị mắc bệnh khi ăn".

"Hiện một hộp giống tằm lấy tại cơ sở nuôi tằm con vào khoảng 1 triệu đồng, vì vậy người dân phải có kỹ thuật nuôi tốt thì mới hiệu quả bởi giống tằm con hay bị bệnh như mủ, sưng đốt hay vôi. Với 1 hộp tằm, nếu tằm không bị bệnh có thể cho thu từ 40 – 50kg kén, giá kén hiện nay từ 160.000 – 170.000 đồng/kg trung bình sẽ thu về khoảng gần 7,5 triệu đồng/lứa”.

Do Covid-19, nghề nuôi tằm Lâm Đồng lao đao vì cạn trứng giống - 3

Với một hộp tằm giống, người nuôi có thể thu được 40-50kg kén nếu tằm không bị bệnh nhiều.

Được biết, Làng nghề dâu tằm tơ Đông Anh 3 được thành lập từ năm 2015 với 140 hộ (hiện nay khoảng 200 hộ) với tổng diện tích 20ha dâu. Kỹ thuật nuôi tằm của người dân đã khá hoàn thiện, vì vậy sản lượng kén khi nuôi cũng ổn định, trở thành nghề mang lại giá trị kinh tế cao nhưng lúc nhàn rỗi.

Trung bình, với 1.000m2, nếu chăm tốt người dân có thể nuôi 1 hộp mỗi đợt dâu, như vậy, mỗi năm có thể nuôi khoảng 6 hộp tằm.

Do Covid-19, nghề nuôi tằm Lâm Đồng lao đao vì cạn trứng giống - 4

Do ảnh hưởng của Covid-19, Lâm Đồng đang thiếu nguồn trứng tằm giống.

Ông Nguyễn Phi Long - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và thủy sản tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm phổi cấp do Covid-19 gây ra nên trứng tằm từ Trung Quốc không nhập được về Việt Nam, khiến cho ngành dâu tằm tơ của nước ta đang bị ảnh hưởng, gặp nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, Sở NNPTNT đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Lâm Đồng để tỉnh có văn bản gửi Bộ NNPTNT tháo gỡ vướng mắc cho việc nhập khẩu trứng tằm phục vụ sản xuất, đáp ứng kịp thời lượng dâu đã trồng của người dân địa phương.

Theo Văn Long/Danviet.vn