1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Dịp Tết 2020: Cả nước có 18 cuộc đình công, ngừng việc tập thể

(Dân trí) - Về cơ bản, tình hình quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên cả nước thời điểm trước Tết Nguyên đán tương đối ổn định, phát triển tích cực hơn so với những năm gần đây. Cả nước xảy ra 18 cuộc ngừng việc tập thể và đình công, tăng 3 vụ so với dịp Tết 2019.

Đây là kết quả khảo sát được Tổng LĐLĐ VN công bố trong những ngày cận Tết Nguyên Đán Canh Tý về tình hình đình công, ngừng việc tập thể.

Đánh giá chung cho thấy, tính chất và quy mô các cuộc ngừng việc tập thể, đình công không phức tạp so với các năm trước. 

Nguyên nhân ngừng việc chủ yếu tập trung vào các nội dung về trả lương, trả thưởng, thưởng Tết, đóng bảo hiểm xã hội, thông báo lịch nghỉ Tết, lịch sản xuất, chất lượng bữa ăn ca. 

Dịp Tết 2020: Cả nước có 18 cuộc đình công, ngừng việc tập thể - 1

Môt cuộc ngừng việc tập thể ở Ninh Bình diễn ra trong tháng 1/2020

Đơn cử như vụ ngừng việc tập thể xảy ra tại Công ty TNHH Highvina Apparel (ngành nghề sản xuất may mặc, vốn đầu tư Hàn Quốc), có trụ sở tại huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh.

Cuộc ngừng việc kéo dài 4 ngày từ ngày 2 - 6/1 với sự tham gia của 1.318 lao động. Tập thể công nhân yêu cầu Ban Giám đốc công ty tăng mức lương tối thiểu vùng từ 3.250.000 đồng lên 3.490.000 đồng (tăng 240.000 đồng) và tiền ăn từ 14.000 đồng lên 15.000 đồng.

Với đề nghị của người lao động, Ban giám đốc công ty đồng ý tăng mức lương tối thiểu vùng từ 3.250.000đ lên 3.460.000đ (tăng 210.000đ); tiền ăn từ 14.000đ lên 15.000đ/người. Công nhân không đồng tình với phương án tăng lương của Công ty và tiếp tục ngừng việc.

Trước tình hình trên, đại diện LĐLĐ huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh phối hợp cùng với các cơ quan chức năng làm việc với lãnh đạo Công ty, hỗ trợ các bên thương lượng.

Qua đó, các bên đã thống tăng tiền lương tối thiểu: 210.000 đồng; tăng tiền ăn lên 15.000 đồng. Các ngày công nhân không làm việc được tính phép thường và chuyên cần. Ngày 7/1, tất cả công nhân đã quay trở lại làm việc bình thường.

Vụ ngừng việc tập thể tại Công ty TNHH Knitpassion (sản xuất trang phục dệt kim, đan móc, vốn đầu tư Hồng Kông), có trụ sở tại Khu các Công nghiệp tỉnh Tiền Giang xảy ra từ ngày 2 - 4/1 với sự tham gia của 2.400 người lao động.

Nguyên nhân của cuộc ngừng việc tập thể xuất phát từ việc công nhân lao động chưa đồng tình với cách tăng lương cơ bản của Công ty, đề nghị tăng mức lương tối thiểu lên 300.000 đồng/tháng.

Đồng thời tăng lương cơ sở lên cho những công nhân lao động đã tái ký hợp đồng lao động trên 2 năm, đề nghị thay đổi đơn vị cung cấp suất ăn. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, LĐLĐ tỉnh đã cử cán bộ công đoàn đến gặp gỡ và làm việc với Ban Giám đốc Công ty.

Kết quả, Công ty sẽ có kế hoạch nâng tiền lương cao hơn lần ký hợp đồng lao động đầu tiên đối với công nhân tái ký hợp đồng lao động. Công ty thành lập Tổ giám sát xuống nhà ăn để giám sát chất lượng bữa ăn trong vòng 1 tuần.

Nếu chất lượng bữa ăn không đảm bảo như phản ánh của công nhân lao động thì Công ty sẽ thay đổi đơn vị cung cấp suất ăn, tăng 180.000 đồng lương tối thiểu.

Đến ngày 6/1 toàn bộ công nhân lao động công ty trở lại làm việc bình thường.

Phan Minh