1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đàm phán lương tối thiểu 2019: “Không thể dừng ở đề xuất 0 %”

(Dân trí) - “Phiên đàm phán lương tối thiểu sáng 26/7 khó tồn tại đề xuất điều chỉnh ở con số 0 %. Mức đề xuất hợp lý sẽ từ 6 - 7 % so với con số của năm 2018. Đồng thời, mức tăng lương tối thiểu ở khu vực 1, nơi có đông lao động, cần được chú trọng hơn”.


Phiên đàm phán lần đầu về lương tối thiểu vùng năm 2019. (Ảnh: H.K)

Phiên đàm phán lần đầu về lương tối thiểu vùng năm 2019. (Ảnh: H.K)

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội - bày tỏ quan điểm với phóng viên Dân trí trước giờ khai mạc phiên đàm phán lần 2 về lương tối thiểu năm 2019, diễn ra sáng nay (26/7) tại Hà Nội.

Trước đó, tại phiên đàm phán lần đầu về lương tối thiểu 2019 (hôm 9/7), Tổng LĐLĐ VN đề xuất tăng 8 % so với mức của năm 2018, VCCI đề xuất không tăng và giữ nguyên như mức của năm 2018.

Thưa ông, phiên đàm phán lương tối thiểu lần 2 giữa Tổng LĐLĐ VN và Phòng Công nghiệp VN (VCCI) sẽ có nhiều kịch tính và khác về “chất”, so với phiên đầu?

- Phiên đàm phán đầu tiên (hôm 9/7) thực chất chỉ là dịp để các bên tìm hiểu về những luận cứ đề xuất điều chỉnh, các căn cứ tính toán “rổ hàng hoá”, mức sống tối thiểu…

bui sy loi

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Chính vì vậy, dù khoảng cách 8 % giữa các đề xuất đã được thiết lập, nhưng chúng ta chưa thấy có sự “cọ sát” thực sự về quan điểm của các bên.

Tuy nhiên kịch bản trên sẽ thay đổi ở phiên đàm phán sáng nay. Hai bên sẽ đi vào đàm phán với tính giằng co và thực chất hơn. Điều này dễ đoán trước được, bởi mỗi điều chỉnh dù là tỉ lệ rất nhỏ cũng sẽ đụng chạm tới quyền lợi lớn của mỗi bên.

Tổng LĐLĐ VN chắc chắn sẽ dựa vào “mốc” thời gian - năm 2020 để đưa mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu. Mức lương tối thiểu của khu vực có quan hệ lao động mới đáp ứng được 90-92% mức sống tối thiểu, do đó cần tăng thêm để bù đắp khoảng trống.

Với VCCI, quan điểm điều chỉnh lương tối thiểu sẽ dựa vào chủ trương “khoan sức doanh nghiệp”. Chưa kể việc điều chỉnh lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu cũng phải dựa trên “nền” khả năng chi trả thực tế của doanh nghiệp.

Liệu khoảng cách 8 % giữa các đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu của 2 bên sẽ bị phá vỡ? Theo ông, bên nào sẽ có khả năng nhượng bộ trong việc điều chỉnh mức đề xuất?

- Chắc chắn 2 bên sẽ có nhượng bộ nhất định, so với hôm 9/7. Điều này có thể nhìn thấy rõ ở sự thay đổi mức đề xuất điều chỉnh, nhằm hướng tới mục tiêu chiến lược trong đàm phán của mỗi bên.

Theo Luật Lao động, từ năm 2012, Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ họp hàng năm nhằm xem xét mức đề xuất tăng lương tối thiểu cho năm sau. Năm 2017, Hội đồng đã thống nhất đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2018 thêm 6,5% so với mức lương của năm 2017, tương đương từ 180.000 - 230.000 đồng tại 4 vùng lương.

Tuy nhiên dù có nhượng bộ ra sao, tôi cho rằng lương tối thiểu năm 2019 chắc chắc sẽ phải tăng. Điều này đáp ứng yêu cầu thực tế và cũng là đạo lý.

Một chi tiết cần lưu ý, trong cuộc đàm phán cam go này, các bên cần quan tâm tới đề xuất điều chỉnh có tính khách quan của Bộ phận kỹ thuật thuộc Hội đồng tiền lương Quốc gia.

Có thể sau những góp ý từ Phiên đàm phán đầu tiên, mức đề xuất mới của Bộ phận kỹ thuật trong hôm nay sẽ sát thực tế hơn, là một kênh tham khảo quan trọng để các bên đưa ra quyết định cuối cùng.

Theo dõi nhiều năm về đàm phán lương tối thiểu vùng, ông có nhận định gì về việc điều chỉnh mức tăng giữa các vùng lương?

- Lâu nay, chúng ta quan tâm nhiều tới kết quả cuối cùng của phiên đàm phán, tức là mức đề xuất điều chỉnh trung bình của 4 vùng lương trong cả nước.

Đơn cử như các phiên đàm phán năm 2017, mức đề xuất tăng trung bình cho năm 2018 được thống nhất là tăng 6,5 % (tương đương với việc tăng từ 180.000 - 230.000 đồng trên 4 vùng lương).

Nhưng nếu bóc tách kỹ, chúng ta sẽ thấy một thực tế: Khoảng 2/3 lực lượng lao động chịu tác động trực tiếp của tăng lương tối thiểu đang làm việc ở khu vực 1. Chỉ có một phần nhỏ lao động chịu tác động của lương tối thiểu ở khu vực 4.

Nhưng kết quả đàm phán của năm 2017 cũng cho thấy, mức đề xuất tăng trong năm 2018 của vùng 1 là 230.000 đồng, chỉ tương đương 6,1% so với mức cũ của vùng 1; Vùng 4 đề xuất tăng 180.000 đồng, tương đương tới 7 %.

Như vậy có thể kết luận, mặc dù mức tăng trung bình trên 4 vùng đã đạt 6,5 %. Nhưng thực chất, lương tối thiểu của đa số người lao động lại chưa được tăng tới mức này.

Lương tối thiểu không chịu ảnh hưởng nhiều của năng suất lao động

“Nhiều quan điểm cho rằng, việc điều chỉnh lương tối thiểu còn phụ thuộc vào năng suất lao động. Đồng thời, năng suất lao động chưa cao nên việc tăng cũng bị ảnh hưởng. Đây là quan niệm chưa đúng. Bởi lương tối thiểu chỉ là mức sàn thấp nhất, đáp mức sống tối thiểu của người lao động trong điều kiện làm việc bình thường” - ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Xin cảm ơn ông

Hoàng Mạnh thực hiện