1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đắk Nông: Lao động ngành giáo dục nóng lòng chờ gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng

(Dân trí) - Tại Đắk Nông, nhiều lao động tại các đơn vị giáo dục đã bị mất việc làm và không có lương. Để duy trì cuộc sống gia đình, nhiều người thậm chí phải bán cà phê non hoặc đi vay nóng.

Chị Lương Thị Dũng (thôn 1, xã Quảng Khê) là cấp dưỡng tại Trường mầm non Hoa Hồng (xã Quảng Khê, huyện Đắk G’Long). Lương tháng hơn 3 triệu đồng cũng giúp chị trang trải được cuộc sống của gia đình.

Từ ngày trường nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chị Dũng không có lương nên cuộc sống gia đình trở nên khó khăn hơn. Chồng chị làm công tác bán chuyên trách ở xã, thu nhập chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng.

Đắk Nông: Lao động ngành giáo dục nóng lòng chờ gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng - 1

Nhiều lao động hợp đồng tại các đơn vị giáo dục đang rất khó khăn vì dịch Covid-19.

Chị Dũng muốn đi tìm một công việc tạm thời để có thu nhập. Nhưng thời gian qua, các hàng quán đều đóng cửa theo quy định của Chính phủ nên tìm việc trong thời gian cả xã hội cách ly lại càng khó khăn hơn. Từ ngày nghỉ, chị phải đi ký nợ đồ ăn thức uống ở các hàng quán của người quen.

Chị Vi Thị Hoa (thôn 2, xã Quảng Khê, cấp dưỡng của Trường Mầm non Hoa Hồng) cũng rơi vào tình trạng khó khăn tương tự.

Chị Hoa cho biết: “Từ 2 tháng nay, tôi buộc phải đi vay cà phê non ở đại lý để bán mà trang trải chi tiêu thiết yếu cho gia đình. Tôi phải vay mỗi tạ tương đương khoảng 2,2 triệu đồng nhưng sau này phải trả lên đến hơn 3 triệu đồng/tạ. Biết là lỗ nhiều nhưng tôi buộc phải vay”.

Đắk Nông: Lao động ngành giáo dục nóng lòng chờ gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng - 2

Để có chi phí sinh hoạt, chị Hoa phải bán cà phê non cho các đại lý

Không chỉ riêng các cơ sở giáo dục công lập, những lao động của các đơn vị giáo dục tư thục cũng rất vất vả vì không có việc làm. 26 cán bộ, giáo viên và nhân viên của Trường mầm non tư thục Hồng Phúc (xã Quảng Khê, huyện Đắk G’Long) cũng mới nhận được nửa tháng lương của tháng 2/2020.

Chị Nguyễn Thị Hương, nhân viên cấp dưỡng của trường, chia sẻ: "Bố tôi hiện nay đã rất già. Cháu tôi hiện đang bị bệnh ung thư nên bình thường lương nhận được tôi dùng để gửi nuôi bố và điều trị cho cháu".

Từ khi không có lương, chị Hương chỉ mong sớm nhận được hỗ trợ từ chính sách của nhà nước để ổn định cuộc sống.

Đắk Nông: Lao động ngành giáo dục nóng lòng chờ gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng - 3
Gàn 2 tháng cô Hương không có lương do cơ sở mầm non nghỉ học

Trao đổi với PV Dân trí, ông Đoàn Văn Phương, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Đắk G’Long, cho biết, toàn huyện đang có hàng trăm lao động tại các cơ sở giáo dục không được nhận lương do trường học đóng cửa.

Trong đó, riêng các cơ sở giáo dục tư thục có 69 giáo viên, nhân viên.

Trước tình hình đó, phòng đã chỉ đạo các đơn vị sử dụng lao động rà soát, lập danh sách cũng như cung cấp hợp đồng lao động cho cơ quan chức năng để được hưởng hỗ trợ theo Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

“Thực tế, các trường tư thục đã đóng góp rất lớn cho huyện trong giảm tải về cơ sở vật chất và tình trạng thiếu giáo viên. Ngành giáo dục rất mong các cấp nhanh chóng hỗ trợ cho người lao động không có thu nhập trong thời gian nghỉ phòng, chống dịch. Việc này sẽ giúp người lao động ổn định cuộc sống”, lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Đắk G’Long nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thuỷ - Phó trưởng phòng phụ trách, Phòng Lao động- Thương binh & Xã hội huyện Đắk G'Long thông tin, ngày 5/5/2020, sau khi nhận được hướng dẫn của tỉnh Đắk Nông, đơn vị này đã triển khai, rà soát lại các đối tượng là lao động hợp đồng tại huyện để đảm bảo không bỏ sót đối tượng theo tinh thần của Quyết định15/2020/QĐ-TTg.

"Qua thống kê sơ bộ, tại các trường công lập và tư thục trên địa bàn có có khoảng hơn 100 người lao động, gồm giáo viên, bảo mẫu, nhà bếp... Hiện chúng tôi đã đề nghị các xã thống kê lại, sớm trình danh sách lên huyện để đảm bảo sự hỗ trợ của Chính phủ sẽ đến tay người khó khăn, yếu thế trong thời gian sớm nhất", Nguyễn Thị Thuỷ thông tin thêm.

Dương Phong